Trong năm 2007, dự án đã lựa chọn 6 tỉnh để triển khai là Hà Nội, Hà Tây, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi và Đồng Nai. Đây là những tỉnh, thành lớn, đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam, có dân số đông, các tỉnh đều có mức tiêu thụ năng lượng cao, đặc biệt là khu vực thành phố.
Trên cơ sở sẵn có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương trong phạm vi cả nước, kinh nghiệm triển khai các chương trình vận động từ trước đến nay và xuất phát từ vị trí, vai trò của phụ nữ trong các hành vi tiết kiệm năng lượng ở gia đình, Hội liên hiệp phụ nữ đã đưa ra những nội dung triển khai phù hợp với đặc thù của dự án như tổ chức các chiến dịch truyền thông tại các tỉnh lựa chọn kết hợp với các hình thức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương, bao gồm các phóng sự truyền hình, phát thanh, tin, bài trên báo; xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hộ gia đình; biên soạn và in ấn các tài liệu truyền thông...
Trong vòng 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2007, dự án đã tổ chức được 12 cuộc mít tinh trên địa bàn 6 tỉnh lựa chọn với sự tham gia của gần 2.000 đại biểu là đại diện của nhiều ban ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương. Nội dung các cuộc mít tinh và truyền thông tập trung vào những vấn đề bức xúc liên quan đến tình hình năng lượng hiện nay và cung cấp các biện pháp cũng như các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hộ gia đình.
Với mục tiêu phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tiếp tục duy trì các hoạt đồng truyền thông nâng cao nhận thức ngay cả khi dự án đã kết thúc, 6 lớp tập huấn Tuyên truyền viên cơ sở về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với 180 tuyên truyền viên đã được tổ chức tại các tỉnh lựa chọn.
Để phục vụ công tác tuyên truyền và giảng dạy, dự án đã biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền như sổ tay hướng dẫn, panô, tờ dán, tờ gấp. Những tài liệu trên đều được in 4 màu, có minh hoạ đẹp, hình thức thể hiện hấp dẫn, ngắn gọn và dễ hiểu với đông đảo công chúng.
Thông qua hoạt động tập huấn, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là các tuyên truyền viên đã được nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả của chương trình tiết kiệm năng lượng, đồng thời nắm vững các biện pháp và các mô hình giúp sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả để tiếp tục vận động người dân địa phương áp dụng trong gia đình. Đặc biệt là nhận thức về ý nghĩa của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với đời sống xã hội và gia đình của nhân dân đã được nâng lên. Nhiều gia đình ở địa bàn triển khai dự án đã tự giác áp dụng các biện pháp và cách thức tiết kiệm năng lượng, đã hình thành được thói quen tắt điện khi ra khỏi phòng, biết cách sử dụng năng lượng thiên nhiên như ánh sáng mặt trời, gió để tiết kiệm điện và sử dụng thiết bị điện một cách hợp lý vào giờ cao điểm đem lại hiệu quả cao.
Đồng thời với việc tuyên truyền qua các ấn phẩm và các kênh thông tin, dự án đã xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hộ gia đình tại các địa bàn dự án. Mục đích của việc xây dựng các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình là hỗ trợ các hộ gia đình thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, giải phóng phụ nữ, đồng thời làm mô hình trình diễn và tuyên truyền nhân rộng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng. Tính đến khi kết thúc dự án, đã thay được 3.000 đèn compact cho 1.500 hộ gia đình tại 14 xã thuộc 6 tỉnh lựa chọn, xây dựng 87 mô hình khí sinh học, lắp đặt 20 dàn đun nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời. Các mô hình trình diễn được ứng dụng trong các gia đình đều đảm bảo chất lượng và mang lại hiệu quả. Chính vì kết hợp tuyên truyền, vận động gắn với các mô hình cụ thể nên các hộ gia đình ở các xã, phường triển khai chương trình đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động, số lượng gia đình đăng ký các mô hình đều vượt so với chỉ tiêu đề ra.
Theo kết quả ước tính sơ bộ, trên các địa bàn thực hiện dự án nhờ áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng mà mỗi năm có thể tiết kiệm được số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều gia đình ở các địa phương khác trong cả nước đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, đem lại kết quả trên diện rộng.
Sau một năm triển khai, dự án “Triển khai thí điểm Cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mỗi hộ gia đình” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện đã đạt được những kết quả tốt. Hầu hết các hoạt động của dự án đã được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo về chất lượng và thời gian, số lượng, chỉ tiêu đề ra của dự án đều đã đạt, một số chỉ tiêu vượt so kế hoạch. Ví dụ điển hình như việc lắp đèn compact, đề ra 600 hộ thực hiện với 1.200 đèn, đã đạt 1.500 hộ thực hiện với 3.000 đèn, vượt gấp đôi so kế hoạch. Về hầm khí sinh học, đề ra 60 hầm, đạt 87 hầm, vượt 27 hầm so kế hoạch.
Bên cạnh những mặt ưu điểm, việc thực hiện chương trình còn có một số hạn chế như đội ngũ tuyên truyền viên được tập huấn chưa chủ động triển khai công tác tuyên truyền, chưa lồng ghép vào các hoạt động khác của địa phương; các mô hình chưa phát triển mạnh ở các địa bàn dự án bằng 100% kinh phí tự có của gia đình, còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của dự án.
Bước sang năm 2008, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những kết quả đã đạt được và những điểm còn tồn tại trong quá trình triển khai dự án năm 2007, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang tiếp tục mở rộng dự án trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố là Điện Biên, Hải Phòng, Hà Tĩnh, ĐăkLăk, An
Thu Trang