Theo Giám đốc Điều hành Khách sạn Norfolk, Khách sạn này là một trong những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu về phòng nghỉ cho du khách, do đó cần sử dụng nguồn điện rất nhiều cho việc chiếu sáng, hệ thống máy lạnh, hệ thống cung cấp nước nóng và cả một lượng điện rất lớn sử dụng cho phòng khách và khối văn phòng,v.v… Khách sạn Norfolk phải tìm ra những giải pháp để có thể tiết kiệm được chi phí, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Năm 2007, khách sạn Norfolk đã mạnh dạn đầu tư trên 4 tỷ đồng cho hệ thống máy lạnh hiện đại VRVIII thế hệ mới, có tính năng tiết kiệm điện cao và thân thiện với môi trường. Việc lắp đặt hệ thống máy lạnh mới này đã giúp khách sạn giảm khoảng 20% tổng điện năng tiêu thụ. Trước thành quả đó, cuối năm 2008 khách sạn Norfolk lại tiếp tục đầu tư trên 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, thay thế cho việc sử dụng các thiết bị dùng điện, cho toàn bộ 104 phòng của khách sạn. Từ khi đưa vào sử dụng từ đầu năm đến nay, hiệu quả kinh tế do thiết bị này mang lại đã thấy rõ rệt khi chi phí cho điện năng tiêu thụ đã giảm mạnh. Nếu chỉ tính chung 2 giải pháp cơ bản này, khách sạn Norfolk đã tiết kiệm được trên 25% tổng điện năng tiêu thụ so với trước đây. Nhờ vậy khách sạn Norfolk giảm được chi phí và sử dụng kinh phí này đầu tư cho những việc khác có hiệu quả cao, giúp bảo vệ môi trường và chung tay với các doanh nghiệp khác vì một hành tinh xanh.
Hiện nay, trong lúc việc thiếu hụt nguồn năng lượng điện ngày càng trầm trọng thì việc sử dụng một sản phẩm tiết kiệm điện, an toàn cho môi trường được xem là cách lựa chọn hợp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng hầu như vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng. Nguyên nhân chính là do nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng ý nghĩa của chương trình và thiếu vốn đầu tư cho lĩnh vực này.
Mới đây, Bộ Công thương phối hợp với một số đơn vị tổ chức hội thảo “Tiết kiệm điện năng cho tòa nhà”, trong đó nhiều kinh nghiệm và giải pháp đã được đề cập. Khảo sát thực tế cho thấy, các tòa nhà đang sử dụng năng lượng nhiều hơn nhu cầu tới 25% nên gây lãng phí nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn điện và hiệu ứng nhà kính trên trái đất cùng với sự dâng cao của mực nước biển, là một thách thức lớn.
Mỗi năm nhu cầu tiêu thụ điện năng tại Việt Nam tăng 15%-20%, trong khi công suất các nhà máy điện cung cấp chỉ tăng 13% (chưa kể nhiều nhà máy điện đang chậm phát điện theo lộ trình), khoảng cách thiếu hụt rất lớn nên sẽ phải cắt điện luân phiên. Từ hiệu quả của một số doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm điện năng thì nhận thức và hành vi của người sử dụng điện năng cũng rất quan trọng.
Ông Olivier Jacquet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu cho rằng, đã đến lúc cộng đồng các doanh nghiệp cần có nhận thức tốt về việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng bằng một chương trình hành động cụ thể.
(Nguồn: EEC-HCM)