Từ lâu, những nhà dự báo công nghệ vẽ lên viễn cảnh đầy cám dỗ của việc biến thuỷ triều và sóng đại dương thành điện. Họ tiên đoán những trạm năng lượng lớn đặt ngoài khơi và các cửa biển có thể cung ứng tới 10% điện lượng quốc gia.
Những trở ngại kỹ thuật để thực hiện giấc mơ ấy quả thật khó khắc phục. Năm ngoái, một máy phát điện thử nghiệm từ sóng biển đã bị chìm ngoài khơi bang Oregon (Mỹ). Các cánh quạt của tua bin thuỷ triều thử nghiệm tại cửa biển East River ở New York bị gãy lìa. Các vấn đề neo cố định máy phát điện ngoài khơi ở Bồ Đào Nha không giải quyết được đã cản trở dự án phát triển điện thuỷ triều của nước này. Tuy nhiên, các nhà khoa học không hề bỏ cuộc. Trái lại, họ càng nỗ lực tìm kiếm giải pháp mới khi giá thành của các nguồn năng lượng từ than và nhiên liệu hoá thạch tăng vọt.
Công ty Pelamis Wave Power ở Scotland có kế hoạch lắp đặt một chuỗi trạm điện thuỷ triều nhỏ đầu tiên của thế giới ở ngoài khơi Bồ Đào Nha vào cuối năm nay sau khi sửa chữa các giàn neo tua bin giữa biển. Công ty Finavera Renewables ở Canada đã trục vớt chiếc máy phát điện từ sóng trị giá 2,5 triệu USD bị chìm ngoài khơi Oregon và ký hợp đồng sẽ cung cấp điện từ ngoài khơi California vào năm 2012. Ở cửa biển East River, New York, hai tua bin mới đã được lắp đặt với cánh quạt và động cơ quay cứng cáp hơn đang cung cấp điện cho một số cơ sở kinh doanh trên đảo Roosevelt. Đây là dự án thử nghiệm điện đại dương tiên tiến nhất của Mỹ. Verdant Power, công ty điều hành dự án này, đã tốn nhiều triệu đô la và nhiều năm phát triển chậm chạp cho đến khi những cánh quạt tua bin gãy lìa. Verdant Power cho biết sẽ hoàn thiện các kiểu thiết kế tua bin mới và sẽ lắp đặt 30 trạm ở East River từ năm 2010, và sau đó sẽ phát triển thêm các trạm điện đại dương khác ở Canada và vùng biển phía tây nước Mỹ.
Chừng 100 công ty nhỏ khắp thế giới đang tìm cách biến sức mạnh của biển thành điện. Nhiều công ty hoạt động ở châu Âu, nơi chính phủ tài trợ cho ngành công nghiệp này. Các công ty lẫn chính phủ đều tin rằng theo thời gian, giá thành sẽ giảm xuống. Nhưng ngay lúc này, nguồn điện từ biển chỉ hiện diện ở những địa điểm thử nghiệm.
Năng lượng từ đại dương
Công nghệ điện đại dương được chia làm hai loại: điện thuỷ triều và điện từ sóng. Điện từ sóng – giải pháp mà công ty Finavera theo đuổi ở Oregon – sử dụng chuyển động lên xuống của sóng biển để tạo ra điện. Điện thuỷ triều – giải pháp của công ty Verdant ở East River – lại khai thác những hoạt động của thuỷ triều bằng các tua bin đặt ngầm dưới biển và quay như các tua bin điện gió.
Các công nghệ điện thuỷ triều đã lỗi thời của Pháp và Canada trước đây lại sử dụng các hệ thống đập nước để chứa nước lúc triều cường. Giải pháp này cồng kềnh hơn các công nghệ nằm dưới mặt nước. Còn một dạng điện thứ ba từ biển là “nhiệt đại dương” (ocean thermal) khai thác sự chênh lệch nhiệt độ giữa mặt nước biển và lòng biển để tạo ra điện. Nhưng công nghệ này chỉ có thể khả thi ở các vùng biển nhiệt đới.
Điện đại dương có nhiều tiềm năng hơn điện gió vì nước đặc hơn không khí 850 lần, do đó tích tụ nhiều năng lượng hơn. Sóng, thuỷ triều và dòng nước đại dương lại dễ tiên đoán hơn là gió. Điểm hạn chế là nước biển có thể bào mòn và làm hoen gỉ máy móc, và chi phí cho hệ thống cáp điện ngầm dưới biển để đưa điện vào bờ lại rất cao. Xây dựng một trạm điện đại dương cũng rất tốn kém. Để xây dựng chuỗi trạm điện thuỷ triều ở Bồ Đào Nha, công ty Pelamis phải huy động vốn tới 77 triệu USD. Trong khi đó, chỉ cần 5 triệu USD là có thể xây dựng một nhà máy thử nghiệm điện mặt trời hoàn chỉnh.
Trong khi các tập đoàn năng lượng lớn như General Electric, dù đầu tư mạnh vào cả điện gió lẫn điện mặt trời, vẫn tránh xa điện đại dương, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm khắp thế giới đổ vào các công ty điện đại dương tăng từ 8 triệu USD năm 2005 lên 92 triệu USD trong năm qua. Tuy nhiên, đó chỉ là một con số rất nhỏ so với nguồn vốn đầu tư vào năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học.
(Nguồn: SGTT)