Đảo Năng lượng là sáng kiến của nhà phát minh Pháp Dominic Michaelis. Ông vốn bức xúc với công nghệ chuyển hóa nhiệt năng đại dương (ocean thermal energy conversion - OTEC) mà ông cho là chẳng có gì mới mẻ. Đảo Năng lượng, do Michaelis và con trai ông thiết kế, ở giữa có một nhà máy OTEC và dàn trải trên diện tích rộng 600 m2 cho phép lắp đặt hệ thống tua-bin gió và máy thu năng lượng Mặt trời.
Chưa hết, máy chuyển hóa năng lượng sóng biển và tua-bin dòng chảy sẽ hút năng lượng từ nguồn nước xung quanh đảo. Theo Michaelis, một hòn đảo năng lượng hình lục giác có thể tạo ra 250 megawatt điện, đủ dùng cho một thành phố nhỏ. Nguồn điện thu được có thể nhiều hơn nữa nếu ghép các hòn đảo lại thành quần đảo nhỏ, trên đó có thể lập nhà kính trồng rau sạch, mở cảng cho tàu thuyền neo đậu và xây khách sạn cho du khách.
Lý do chính để thiết lập Đảo Năng lượng là nhằm khai thác OTEC. OTEC là qui trình chuyển hóa năng lượng sinh ra từ sự khác biệt nhiệt độ giữa làn nước ấm trên mặt biển với dòng nước lạnh dưới biển sâu thành nhiệt năng hoặc các dạng năng lượng hữu ích khác. OTEC vượt trội hơn các công nghệ năng lượng biển khác ở chỗ nó tạo ra nguồn điện quanh năm suốt tháng. Đó là bởi hoạt động của OTEC không phụ thuộc vào Mặt trời, gió hay sóng biển mà là dựa vào sự khác biệt nhiệt độ giữa làn nước ấm trên mặt biển có nắng chiếu và nước lạnh dưới lòng biển sâu tăm tối. Sự khác biệt này dễ nhận thấy nhất ở các vùng biển nhiệt đới, nơi nước trên bề mặt đo được khoảng 250C. Làn nước ấm này sẽ được bơm lên Đảo Năng lượng và dùng để làm bốc hơi chất lỏng, có thể là nước biển hoặc khí ammonia. Luồng hơi thu được sẽ dùng để chạy tua-bin phát điện.
Nhà máy OTEC đầu tiên được xây dựng ở ven biển
Hạn chế chủ yếu của OTEC chính là hiệu suất chuyển đổi nhiệt năng thành điện năng quá thấp. Một số nhà máy OTEC trước đây sử dụng năng lượng nhiều hơn năng suất có thể tạo ra. Một nhà máy OTEC cần rất nhiều năng lượng để tuần hoàn lượng nước biển khổng lồ. Đảo Năng lượng, chẳng hạn, ước tính sẽ cần hơn 400 m3 nước lạnh được bơm lên mỗi giây. Chính vì hạn chế trên, Michaelis đã tích hợp thêm những công nghệ năng lượng biển khác nhằm bù khuyết cho hệ thống OTEC của mình.