[In trang]
Pin mặt trời giá rẻ làm từ... mực
Thứ sáu, 04/09/2009 - 11:11
Chẳng bao lâu nữa người ta có thể sản xuất ra pin mặt trời với giá rẻ hơn nhờ sử dụng một loại mực đặc biệt làm từ những hạt nano. Với loại mực này chúng ta có thể in chúng ra như tờ giấy báo hoặc phun lên các cạnh hoặc mái của các tòa nhà để hấp thu ánh sáng mặt trời tạo ra dòng điện.

Brian Korgel, kỹ sư hóa học của ĐH Texas tại Austin đang hy vọng có thể giảm từ 1 – 10% giá thành của những tấm pin mặt trời bằng việc thay thế công nghệ sản xuất pin mặt trời hiện tại – ngưng tụ khí trong một phòng chân không, đòi hỏi điều kiện nhiệt độ cao và một mức chi phí tương đối lớn.

Korgel nói rằng: “Về cơ bản những gì chúng ta cần lúc này là tạo ra một công nghệ sản xuất pin mặt trời và pin quang điện được chấp nhận rộng rãi”. “Mặt trời cung cấp một nguồn năng lượng gần như là vô tận, nhưng những công nghệ hấp thu năng lượng mặt trời hiện có lại quá đắt đỏ và không thể cạnh tranh được với nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ".

Suốt 2 năm qua, Korgel cùng với đội nghiên cứu đã nghiên cứu giải pháp vật liệu nano chi phí rẻ cho việc sản xuất pin quang điện hay pin mặt trời. Korgel đã hợp tác với GS.Al Bard và Paul Barbara của Khoa Hóa Sinh, GS. Ananth Dodabalapur của Khoa Kỹ thuật máy tính và điện tử. Mới đây họ đã chỉ ra những chứng cứ chứng minh cho nghiên cứu của họ trên số ra của tạp chí Journal of the American Chemical Society.

Loại mực để chế tạo pin mặt trời mà Korgel và các đồng nghiệp tạo ra có thể dùng công nghệ in R2R (công nghệ tạo ra các thiết bị điện trên các lá kim loại hoặc tấm nhựa dẻo) để in lên các tấm vật liệu bằng nhựa dẻo hoặc thép không gỉ. Và ông cũng đưa ra viễn cảnh có thể sơn trực tiếp loại mực này lên mái nhà hoặc các tòa nhà.

Korgel cho biết: “Bạn có thể sơn vật liệu hấp thụ ánh sáng và một vài lớp vật liệu khác cũng được. Đây là một bước trong quy trình tạo ra một loại pin mặt trời có thể sơn được lên các bề mặt”.

Korgel sử dụng một loại vật liệu nano hấp thụ ánh sáng, mỏng hơn sợi tóc tới 10.000 lần. Kích thước siêu nhỏ của chúng tạo ra những thuộc tính vật lý mới có thể giúp mang lại hiệu quả cao hơn cho các thiết bị của ông.

Năm 2002, khi công ty Innovalight ở California sản xuất loại mực sử dụng silicon làm chất nền thì lúc này, Korgel và đội của ông đang sử dụng đồng inđi gali selenua (CIGS), một loại vật liệu vừa rẻ hơn lại không gây tác động xấu cho môi trường.

(Nguồn: Vietnamnet.vn)