[In trang]
Pin bằng giấy và muối
Thứ hai, 12/10/2009 - 10:05
Một mảnh giấy ướt dính muối trông không mấy ấn tượng, nhưng nếu được cắt ra và xếp lại, nó có thể chứa một năng lượng đáng kể.

Với ý tưởng trên, các nhà khoa học thuộc Đại học Uppsala (Thụy Điển) đã tạo ra một loại pin bằng giấy và muối có thể chứa 1 volt điện. Các nhà khoa học hy vọng một ngày nào đó pin của họ sẽ cung cấp điện năng cho các thiết bị cảm biến từ xa dùng một lần.

Giáo sư Leif Nyholm cho biết nhóm nghiên cứu do ông chủ trì muốn chế tạo một loại pin đơn giản và sử dụng cùng một vật liệu cho hai điện cực. Và họ đã dùng muối ăn (NaCl) để thử nghiệm. Pin do họ chế tạo mỏng như tờ giấy, nhưng bao gồm nhiều lớp cellulose, vốn được bao bọc bằng một lớp polymer dẫn dày 50 nanometer, và được kẹp giữa những lớp giấy thấm. Nước dẫn các ion chlorine đến điện cực âm, và các electron đến điện cực dương. Toàn bộ tấm pin dày vài mm này được bọc nhựa.

Pin nguyên mẫu có thể sản sinh 1 volt năng lượng. Xếp nhiều tấm như thế lên nhau sẽ tạo ra nhiều năng lượng hơn. Pin làm bằng giấy và muối không mạnh như loại pin cực mỏng sử dụng lithium, cobalt hay nickel, nhưng lại sạc điện nhanh hơn các loại pin kim loại khác. Pin giấy và muối sẽ không sử dụng được cho máy tính xách tay hay điện thoại di động, nhưng các thành phần thân thiện với môi trường của loại pin này phù hợp cho việc sản xuất các loại vải tạo nhiệt hoặc thiết bị cảm biến từ xa có chức năng theo dõi nhiệt độ hoặc độ ẩm. Nó không chỉ tan rã thành những sản phẩm vô hại, mà với tính năng này, nó góp phần bảo vệ môi trường.

Nguồn giấy truyền thống - bột gỗ - không có đủ diện tích bề mặt cho việc trao đổi ion. Thay vào đó, các nhà khoa học sử dụng một loại tảo biển. Loại tảo này sản sinh cellulose có diện tích bề mặt lớn hơn gấp 100 lần so với các loài cây trên mặt đất.

Chuyên gia Gyorgy Inzelt thì cho rằng thiết bị kết hợp muối và cellulose của các nhà khoa học Thụy Điển không chỉ được sử dụng làm pin mà còn có thể dùng làm tụ điện. Nhưng dù là pin hay tụ điện, nó có thể hữu dụng cho nhiều loại máy móc thiết bị như máy điều hòa nhịp tim, thiết bị điện nano... Tuy nhiên, giáo sư Nyholm cho rằng “vẫn còn nhiều việc phải làm” trước khi phát kiến của họ có thể trở thành sản phẩm thương mại.

(Nguồn: Thanhnien Online)