Tiết kiệm năng lượng – yêu cầu bức thiết
Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh chiếm 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thiết bị cũ, trình độ quản lý vận hành còn thấp đã làm thất thoát rất nhiều nguồn năng lượng trong sản xuất, gây áp lực lớn lên nguồn năng lượng quốc gia. Từ năm 2005, Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) đã khảo sát và điều tra tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại một số đơn vị tiêu thị năng lượng lớn trên địa bàn tỉnh và nhận thấy tiềm năng TKNL có thể đạt đến 20%. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, qua khảo sát 9 đơn vị sản xuất công nghiệp, dịch vụ có mức tiêu thụ điện năng lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty CP Dệt May Huế, Công ty TNHH Xi măng Luks, Long Thọ, Bia Huế, Trường Sơn, Công ty Du lịch Hương Giang, Khách sạn Xanh… sản lượng điện năng có thể tiết kiệm được từ 25-80 tỷ/6 tháng; cả tỉnh ước 150-250 tỷ đồng/ năm (tương đương gần 10% tổng thu ngân sách của tỉnh). Ngoài lợi ích kinh tế, thông qua việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng còn góp phần làm giảm tốc độ phát thải nhà kính từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ phát triển để trở thành TP trực thuộc TW trong vài năm tới, nên sẽ có bước đột phá trong đầu tư, điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều tòa nhà cao tầng, khách sạn, văn phòng làm việc, sân bay, nhà ga, trung tâm dịch vụ, siêu thị,… ra đời. Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển công nghiệp, khu công nghệ cao, với tổng diện tích tới 8000 ha, và 16 cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích560 ha. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra tốc độ tăng trưởng phụ tải điện trung bình 15%/năm. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả càng phải được quan tâm hơn nữa.
Những nỗ lực
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và tư vấn phát triển ngành công nghiệp tỉnh đã phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế và sóng truyền hình HVTV thường xuyên đăng tải các chuyên trang, chuyên mục phổ biến chương trình tiết kiệm năng lượng, các dạng năng lượng, các thiết bị kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và các hoạt động của chương trình trên địa bàn tỉnh…
Trung tâm đã phối hợp với Văn phòng tiết kiệm năng lượng, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế tổ chức thành công hội thảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và phát hành tập san về chương trình tiết kiệm năng lượng cho các cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ quan và doanh nghiệp. Qua đó, giới thiệu chủ trương chính sách của Chính phủ và của UBND tỉnh về chương trình tiết kiệm năng lượng, các dạng năng lượng tái tạo (biogas, gió, năng lượng mặt trời, thủy điện nhỏ) và tài liệu về kỹ thuật và thiết bị kỹ thuật tiết kiệm năng lượng.
Trên cơ sở điều tra đánh giá về tình hình sử dụng năng lượng các doanh nghiệp trọng điểm và taoaf nhà trên địa bàn tỉnh, Trung tâm phối hợp với Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương và các chuyên gia tổ chức lớp tập huấn kiểm toán năng lượng cho 30 cán bộ quản lý năng lượng các doanh nghiệp trọng điểm kiểm toán năng lượng và xây dựng mô hình quản lý năng lượng hiệu quả. Điển hình, thông qua kiểm toán năng lượng tại Công ty cổ phần Dệt may Huế, tìm ra được 7 cơ hội tiết kiệm năng lượng điện và đề ra giải pháp cho đơn vị, với chi phí đầu tư 720 triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm được 437 nghìn kW, tương đương 498 triệu đồng, thời gian hoàn vốn 17 tháng.
Những hoạt động nỗ lực của Trung tâm đã có tác dộng tích cực, cụ thể đến nhiều doanh nghiệp trong việc áp dụng các sáng kiến hoặc nhờ sự trợ giúp của các đơn vị tư vấn nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu trong việc tiết kiệm năng lượng, như Công ty CP Men Frit Huế, Xi măng Luks, Công ty CP Sợi Phú Bài…
Cần tiếp tục đẩy mạnh
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi doanh nghiệp, gia đình mà còn là yêu cầu bức thiết trong quá trình CNH - HĐH đất nước hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp và người dân chưa đầy đủ. Khi bản thân doanh nghiệp chưa tự thấy được hiệu quả bằng những con số đem lại, thì những giải pháp tiết kiệm năng lượng cho dù được hỗ trợ tài chính đủ mức cần thiết cũng không đem lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng các trang thiết bị lỗi thời kèm theo khó khăn về tài chính cũng không cho phép những doanh nghiệp này đầu tư trang thiết bị hiện đại để có hiệu suất sử dụng năng lượng cao. Đối với người dân, sử dụng năng lượng lãng phí một phần do thiết hiểu biết về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đôi khi là thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ.
Để tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Tư vấn phát triển ngành công nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương triển khai nhiều chương trình cụ thể, thiết thực như: xây dựng thí điểm mô hình quản lý năng lượng; lắp đặt thí điểm một số thiết bị bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, quạt gió phát điện cho các hộ vùng sâu, vùng xa; xây dựng gian hàng triển lãm trưng bày các thiết bị có hiệu suất cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
HG