PV: Thưa ông, trong thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) cho các doanh nghiệp. Vậy ông có thể cho biết vì sao năm 2010, Sở lựa chọn hộ gia đình là đối tượng chính để triển khai công tác TKNL?
Ông Lưu Tiến Long: Từ thực tế triển khai các dự án TKNL của Sở, chúng tôi thấy rằng, người dân cũng phải chung tay thực hiện TKNL. Bởi, theo điều tra của Bộ Công Thương thì lượng điện tiêu thụ tại các hộ gia đình chiếm khoảng 35-40% tổng lượng điện tiêu thụ quốc gia. Mỗi người dân thành phố chi khoảng 6-8 triệu đồng/năm cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng, bao gồm: chiếu sáng, nước nóng, đun nấu, quạt máy, điều hòa, máy vi tính, tivi, nhu cầu đi lại...
Song hành với tiêu thụ năng lượng là lượng khí thải, rác thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chính vì thế, hành động TKNL của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện nói riêng, tiêu thụ năng lượng nói chung, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm phần lớn chi phí cho gia đình và quốc gia.
Thêm vào đó, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015, gồm 06 nhóm nội dung và 11 đề án; trong đó có Đề án “Triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình: Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình”.
Mặt khác, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo trong Thông báo số 343/TB-VPCP, ngày 04/12/2009 về xây dựng chương trình tuyên truyền tiết kiệm năng lượng đến từng địa phương; Đưa chương trình xuống các phường, xã, tổ dân phố, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, tạo thói quen và trở thành ý thức tự giác của mỗi thành viên, mỗi thế hệ trong gia đình phải sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Do đó, năm 2010, chúng tôi đã lựa chọn hộ gia đình là đối tượng chính để triển khai công tác TKNL.
PV: Ông vừa nói, hộ gia đình là đối tượng tiêu thụ năng lượng rất lớn, vậy Sở Công Thương Hà Nội đã có kế hoạch cụ thể như thế nào để cuộc vận động đem lại hiệu quả cao?
Ông Lưu Tiến Long: Để Cuộc vận động đem lại hiệu quả cao, thành phố Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, UBND các quận, huyện, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các sở, ngành của Thành phố triển khai đồng bộ chiến dịch này. Theo kế hoạch, đồng thời với Lễ phát động, Ban Tổ chức phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố phát phiếu đánh giá đến các hộ gia đình; Chuẩn bị các tài liệu tuyên truyền, tờ rơi phát trong các hộ dân...
Trong tháng 5-6/2010, Sở Công Thương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Hà Nội tổ chức tập huấn, tuyên truyền về sử dụng tiết kiệm điện và TKNL trong các hộ gia đình. Cùng nằm trong khuôn khổ của Chương trình, Hội chợ ENTECH HANOI 2010 sẽ diễn ra trong tháng 5/2010, nhằm tạo điều kiệm cho cộng đồng tiếp cận với các sản phẩm, công nghệ TKNL, giảm ô nhiễm môi trường...
Sau đó, tháng 7-9/2010, Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá các hộ dân tham gia chương trình để trao giải và công nhận các hộ gia đình đạt danh hiệu “Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010” của Thành phố.
PV: Được biết, đã có 100.000 hộ gia đình tham gia cuộc vận động lần này. Vậy ông có thế cho biết, để đạt danh hiệu “Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu” cần những tiêu chí như thế nào, thưa ông?
Ông Lưu Tiến Long: Dự kiến trong thời gian tới, cuộc vận động sẽ được triển khai trực tiếp tại từng tổ dân phố trên địa bàn 10 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông) với sự tham gia của 100.000 hộ gia đình. Tiêu chí đặt ra cho các hộ gia đình trực tiếp tham gia là:
Thứ nhất: Là một trong các hộ gia đình đã được công nhận là Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ hai: Hộ gia đình sẵn sàng tham gia công tác truyền thông, tuyên truyền trong cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ ba: Hộ gia đình đang sử dụng ít nhất 3 trong 5 loại sản phẩm TKNL sau: Đèn chiếu sáng trong các phòng (phòng làm việc, phòng ngủ, phòng khách, bếp) sử dụng loại bóng đèn tiết kiệm điện (compact; đèn huỳnh quang T5, T8…); Bếp gas có chắn gió; Bồn cầu có 2 chế độ xả nước tiết kiệm; Điều hòa có sử dụng công nghệ inverter (biến tần); Bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
PV: Thưa ông, để có được 100.000 hộ gia đình tham gia chương trình, Sở Công Thương Hà Nội có hỗ trợ hay khuyến khích gì cho các hộ?
Ông Lưu Tiến Long: Tôi cho rằng, cho dù vận động như thế nào chăng nữa thì vẫn phải có sự khuyến khích, hỗ trợ nhất định. Hiện nay, chúng tôi hỗ trợ các hộ gia đình đăng ký tham gia Cuộc vận động được tham gia chương trình bình nước nóng năng lượng mặt trời với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và nhà cung cấp thiết bị (nếu các gia đình lắp 1 bình nước nóng năng lượng mặt trời sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và chi phí lắp đặt). Các hộ gia đình được công nhận danh hiệu Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiêu biểu sẽ được cấp Giấy chứng nhận và quà tặng của nhà tài trợ.
Để thoát khỏi nhóm các nước nghèo vào năm 2010 và phấn đấu trở thành một nước công nghiệp theo hướng phát triển vào năm 2020, nền kinh tế nước ta cần duy trì một tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 7-8%/năm, đảm bảo nhu cầu năng lượng, đáp ứng tăng trưởng kinh tế là vấn đề vô cùng quan trọng trong Chiến lược phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chúng tôi kêu gọi toàn thể người dân Thủ đô, bằng những việc làm cụ thể của mình, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các nội dung Cuộc vận động, góp phần thúc đẩy phong trào sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp - văn minh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!