Nhu cầu về vật liệu xây ở nước ta tăng rất nhanh bình quân 5 năm trở lại đây từ 10-12%. Theo Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2011, các công trình nhà cao từ 9 tầng trở lên sẽ phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung (VLXKN) loại nhẹ.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây vào các năm 2010; 2015; 2020 tương ứng khoảng 25; 32; 42 tỉ viên quy tiêu chuẩn. Trong đó, tỷ lệ vật liệu không nung vào các năm 2010, 2015, 2020 tương ứng là 10%, 15-20%, 30-40%.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây
dựng cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VLXD Việt Nam
đến năm 2010 đã đưa ra mục tiêu VLXKN phải đạt tỉ lệ 20% vào năm 2005 và 30%
vào năm 2010 trên tổng số vật liệu xây. Nhưng thực tế đến năm 2008, sản lượng
VLXKN mới chỉ đạt 8,0 - 8,5% trên tổng số vật liệu xây.
Vật liệu xây dựng từ…phế thải
Cũng theo ông Bắc, với vật liệu nung, để sản xuất 1 tỉ viên gạch
tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông
nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150 nghìn tấn than, đồng thời thải ra khoảng
0,57 triệu tấn khí CO2 - gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây
ô nhiễm môi trường.
Năm 2020 nhu cầu vật liệu xây của nước ta khoảng 42 tỉ viên quy
tiêu chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu
tốn khoảng 60- 64 triệu m3 đất sét, tương đương 3.000- 3.200 ha đất nông nghiệp.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia đồng thời tiêu
tốn 6- 6,4 triệu tấn than, thải ra khoảng 23-24 triệu tấn khí CO2, tác động xấu
đến cảnh quan môi trường.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây tăng khoảng 10-12%/năm
sẽ tiêu tốn hàng nghìn ha đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm, giải
pháp được nêu ra là hướng đến dần thay thế vật liệu nung bằng vật liệu không
nung hoặc không nung loại nhẹ.
Một trong những mục tiêu là mỗi năm sử dụng từ 15-20 triệu
tấn phế thải công nghiệp để sản xuất VLXD không nung, tiết kiệm được khoảng
1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm hecta diện tích đất chứa phế thải.
Nguyên liệu để sản xuất vật liệu nhẹ có thể tận dụng phế thải từ nhiều ngành khác nhau. Bên cạnh những nguyên liệu đơn giản như tro, xỉ, phế thải thạch cao, bùn công nghiệp…nhiều loại phế thải độc hại từ các ngành công nghiệp luyện kim, sản xuất điện cũng có thể trở thành vật liệu xây dựng thân thiện.
TS Nguyễn Hồng Bỉnh, Hội Khoa học Kỹ thuật xây dựng TPHCM
khẳng định việc sử dụng bùn thải làm bê tông được xem là một trong những thành tựu
của khoa học tái chế. Các loại bùn thải công nghiệp có chứa các chất nguy hại
(chì, thủy ngân, cadmium, niken...) sau khi được khử mùi sẽ trộn với đá, cho thêm
chất ổn định hóa rắn để tạo ra các loại bê tông mà chất lượng không hề thua kém
bê tông bình thường, vô hại trong các loại môi trường và an toàn với người sử
dụng.
Lợi ích nhiều mặt
TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hiệp
hội VLXD VN Triển vọng ngành xây dựng ngày càng lớn, nhu cầu VLXD ngày càng cao,
trong khi nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt dần. Tận dụng
phế thải sẽ tạo ra một nguồn vật liệu mới hỗ trợ cho nguồn vật liệu từ khoáng
sản. Hơn nữa, quá trình sản xuất cũng chính là quá trình xử lý chất thải giúp
giảm thiểu và kiểm soát được ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng tiết kiệm
hàng ngàn hecta đất để chứa phế thải. |
Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung có tác dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội, giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, VKXKN còn góp phần giảm chi phí xử lý phế thải bằng cách tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành khác như: Nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng...
Ông Bắc cho biết, dự kiến đến năm 2020 lượng phế thải tro, xỉ từ ngành điện và luyện kim khoảng 45 triệu tấn sẽ mất khoảng 1.100 ha mặt bằng chứa phế thải. Việc sử dụng VLXKN loại nhẹ còn giảm tải trọng công trình xây dựng, do đó tiết kiệm vật liệu làm móng và khung chịu lực, đẩy nhanh tiến độ thi công. Mặt khác, gạch nhẹ với tính cách nhiệt cao còn góp phần tích cực vào Chương trình tiết kiệm năng lượng, tạo điều kiện công nghiệp hóa ngành xây dựng.
Bên cạnh đó, trong công nghệ sản xuất gạch không nung, nếu
sử dụng phụ gia tro bay có thể làm giảm lượng xi măng, đặc biệt công nghệ bê
tông đầm lăn không thể thiếu phụ gia này. Một trong những đơn vị sử dụng tro bay
nổi tiếng hiện nay là Công ty Cổ phần Sông Đà, thu gom tro bay từ Nhà máy Nhiệt
điện Phả Lại dùng trong các công trình như thủy điện Sơn La, Bản Chát...
Nhờ những ưu điểm trên, sử dụng VLXKN đã trở thành xu thế chung của các nước trên thế giới. Tại Trung quốc, kế hoạch đến năm 2010 vật liệu xây kiểu mới phải chiếm tỉ lệ trên 55%, trong đó gạch bê tông khí chưng áp chiếm tỉ lệ 8% trong tổng số vật liệu xây. Ở Anh, VLXKN đang chiếm 60% trong tổng số vật liệu xây, trong đó gạch bê tông khí chưng áp chiếm tỉ lệ 18% trong tổng số vật liệu xây.
Hiện tại, để đạt mục tiêu tỉ lệ vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung như Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư và sử dụng VLXKN như ưu đãi thuế, chi phí chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trử lên) bắt buộc sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (có khối lượng thể tích không lớn hơn 1000 Kg/m3 ) trong tổng số vật liệu xây.
Trần Liễu