Trong tương lai, tất cả xe buýt của TPHCM sẽ được chạy bằng nhiên liệu sạch
Theo đó, Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn được nhập nguyên chiếc 21 xe buýt chạy bằng CNG để thay thế một số xe trên tuyến số 1 (chợ Bến Thành - chợ Bình Tây). Sau khi được nhập về, 21 chiếc xe này sẽ được chạy thử nghiệm trong vòng 6 tháng, trước khi UBND thành phố có quyết định về mức trợ giá cho loại xe sử dụng nhiên liệu sạch.
Vốn đầu tư 21 chiếc xe buýt này được vay từ công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (trước đây là Quỹ đầu tư và phát triển đô thị TPHCM). Mỗi chiếc xe buýt chạy CNG (nhập nguyên chiếc) có giá từ 1,8 đến 2 tỉ đồng.
Sau khi Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn đưa vào vận hành, dựa trên chi phí chạy xe hàng ngày, đơn vị này sẽ trình mức trợ giá cho Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải thẩm định rồi trình UBND TPHCM phê duyệt quyết định.
Theo đề án chuyển đổi của Sở Giao thông vận tải TPHCM giai đoạn 2009 - 2011, thành phố sẽ chuyển đổi và đưa vào hoạt động 38 xe buýt sử dụng CNG trên tuyến số 30 (Chợ Tân Hương - Suối Tiên) và tuyến 91 (Bến xe miền Tây - chợ đầu mối nông sản Thủ Đức). Sau năm 2011, sẽ đưa vào sử dụng khoảng 500 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG, chủ yếu là các tuyến trong nội thành.
Vào đầu tháng 5/2010, tại TPHCM, hai chiếc xe buýt chạy nhiên liệu sạch CNG đã được chạy thử nghiệm. Sau một tháng thử nghiệm, 2 chiếc xe này đang có nguy cơ bị ngừng lại vì khó khăn trong việc ký kết hợp đồng cung cấp nhiên liệu.
CNG, hay còn gọi là nhiên liệu sạch, là một loại khí thiên nhiên có thành phần chủ yếu là mê tan (CH4) và ê tan (C2H6), nén ở áp suất 200 – 250 bar tại nhiệt độ thường. Nhiên liệu CNG có hàm lượng Octan cao nên không xảy ra hiện tượng kích nổ. CNG dễ tan vào không khí nên khả năng bắt lửa yếu, không gây cháy nổ.
Ngoài ra, CNG còn có khả năng chống mài mòn, tăng tuổi thọ động cơ nên chi phí bảo dưỡng thấp và thời gian sử dụng dầu bôi trơn tăng.
Theo DDDN