Hiện nay, nước ta phải nhập khẩu điện năng. Năm 2020, dự tính nhu cầu năng
lượng tăng khoảng bốn lần so với hiện nay. Tiềm năng thủy điện cơ bản sẽ khai
thác hết vào thập kỷ tới, trong khi nguồn khí và than có giới hạn.
Việt Nam sẽ sớm phải nhập khẩu than và trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra là tận dụng nguyên liệu tái tạo để sản xuất điện nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống và xã hội. Trấu là một nguồn năng lượng tái tạo dồi dào ở nước ta. Trấu cũng có thể dùng làm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, góp phần giải quyết nạn thiếu điện cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường do trấu dư thừa gây ra.
Ước tính hằng năm, nước ta sản xuất từ 15 đến 16 triệu tấn gạo. Trấu tập
trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Theo số liệu
thống kê của Viện Nghiên cứu và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long, chỉ tính
riêng khu vực này đã có hơn bốn triệu tấn trấu mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn trấu sử dụng lãng phí, chưa đạt hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Theo tập quán, nông dân thu gom trấu để xử lý thành mùn bón ruộng, sử dụng làm chất đốt để nấu ăn, nung gạch... Lượng trấu còn lại phải thải ra môi trường. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều nước nông nghiệp đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này phục vụ cho các nhà máy điện. Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ... hằng năm sản xuất hàng trăm MW điện từ trấu.
Theo số liệu tính toán, cứ năm kg trấu tạo ra một kW điện, như vậy với khối lượng hàng triệu tấn trấu, mỗi năm chúng ta có thể thu lại được hàng trăm MW điện. Đây có thể là một nguồn nguyên liệu phong phú phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện trong tương lai.
Hiện nay, ở nước ta, công nghệ sản xuất nhiệt điện từ trấu chưa có nhưng nó được đánh giá có chi phí thấp hơn so với đầu tư xây dựng công nghệ sản xuất điện từ than hay các nguồn nguyên liệu khác. Hơn nữa, giá nguyên liệu đầu vào tương đối rẻ. Mặt khác, sản xuất nhiệt điện từ trấu còn góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm, giảm ô nhiễm môi trường do trấu thừa gây ra.
Hiện tại, điện trấu mới bước đầu thực hiện ở các địa phương trên quy mô nhỏ lẻ mà chưa tính đến quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước. Tỉnh An Giang có hai dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện từ trấu công suất 10 MW. Ngoài ra, tại tỉnh Tiền Giang, một dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt trấu khoảng mười MW, vốn đầu tư hơn 18,6 triệu USD, được chính quyền chấp thuận...
Vấn đề hiện nay là cần tiến hành điều tra trên quy mô toàn quốc sản lượng trấu hàng năm cũng như có những tính toán cụ thể về lượng trấu tạo ra một kW điện năng. Từ những số liệu cụ thể mới có thể lựa chọn xây dựng nhà máy và công nghệ phù hợp với từng vùng.
Theo Báo Nhân dân