Bếp điện từ được chế tạo dựa trên nguyên lý từ trường trong cuộn dây và dòng điện Foucault. Người ta đặt một cuộn dây dẫn điện dưới một tấm vật liệu cách điện, cách nhiệt (thường là sứ thủy tinh vì ngoài khả năng cách điện, cách nhiệt, nó còn có tính thẩm mỹ). Dòng điện chạy qua cuộn dây sẽ tạo từ trường và làm đáy nồi bằng kim loại (sắt nhiễm từ) nóng lên, nấu chín thức ăn như đối với cách đun nấu thông thường. Do vậy thiết kế bếp điện từ khá đơn giản với bề mặt phẳng và sợi dây điện.
Do bếp sử dụng cảm ứng điện từ nên chỉ sinh nhiệt khi mặt bếp tiếp xúc với vật dụng nấu bằng kim loại cụ thể là sắt thép, inox hít nam châm, sắt niken, nồi sứ có đáy tráng sắt hoặc nồi men… Còn những vật dụng bằng nhôm, inox (loại không hít), thuỷ tinh, sành sứ đều không sử dụng được do những vật này không thể sinh ra nhiệt khi tiếp xúc với bếp điện từ. Ngoài ra cũng không dùng được (hoàn toàn không nên dùng) nồi bằng các chất liệu nhôm hoặc đồng...v.v. Vì những vật liệu này có hiệu suất sinh nhiệt thấp (I2R thấp), do đó cuộn dây của bếp có thể bị nóng lên gây nguy hiểm cho bếp.
Giá thành bếp điện từ ngày càng rẻ. Loại bếp rời của các thương hiệu nổi tiếng chỉ còn 800.000 – 1.200.000 đồng /cái, còn các thương hiệu nội hay hàng Trung Quốc chỉ khoảng 300.000 – 600.000 đồng. Với dòng bếp âm sàn, giá thành cũng như bếp ga âm, phổ biến từ 2,5 – 7 triệu đồng/bếp đôi.
Cá biệt có những loại bếp từ thương hiệu cao cấp có giá trên 20 triệu đồng với những đặc điểm nổi bật là mặt kính chịu lực vật rơi đến 7kg, không kén nồi nấu, bàn phím cảm ứng với các chức năng tiện dụng như điều chỉnh công suất (nhiệt độ nấu), mức tiêu thụ điện năng, hẹn giờ.
Công suất bếp từ hiện nay tương đối lớn (1800~2200W). Theo các chuyên gia, với giá điện và giá gas hiện nay thì dùng bếp từ không tiết kiệm chi phí hơn bếp gas bao nhiêu ( với gia đình dùng mỗi ngày 3 giờ nấu ăn trên bếp tốn mỗi tháng khoảng 300.000 đồng) nhưng bù lại độ an toàn cháy nổ cao hơn, nấu ăn sạch sẽ, không khói và thẩm mỹ.