[In trang]
Đưa điện hạt nhân trở thành nguồn năng lượng chủ lực
Thứ bảy, 10/07/2010 - 14:13
Theo Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt – cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện đề án thông tin đại chúng về điện hạt nhân cấp quốc gia – thì mục tiêu đặt ra đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện; và trong tương lai, điện hạt nhân sẽ trở thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của quốc gia.

Theo Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt – cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện đề án thông tin đại chúng về điện hạt nhân cấp quốc gia – thì mục tiêu đặt ra đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện; và trong tương lai, điện hạt nhân sẽ trở thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của quốc gia.


Cũng theo Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, mục tiêu tổng quát của quy hoạch phát triển điện hạt nhân Việt Nam đến năm 2030 được đưa ra là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân trên tinh thần đảm bảo quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các nhà máy điện hạt nhân, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiến đến tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy điện hạt nhân.


 Lo hat nhan.jpg


Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt


Tuần giữa tháng 6 vừa qua, nằm trong chương trình chuẩn bị dự án đầu tư các nhà máy điện hạt nhân, một số cán bộ của các tỉnh đã đến kiến tập và tham quan Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Tại đây, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt giới thiệu các thông tin chung về điện hạt nhân cũng như các thông tin về Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, một số ứng dụng điển hình của kỹ thuật hạt nhân phục vụ sự phát triển KT-XH, an toàn bức xạ hạt nhân cùng các hoạt động liên quan.

 

Trên cơ sở đó, chuyến kiến tập và tham quan nói trên đã đưa lại cho các đại biểu một cái nhìn toàn diện hơn về điện hạt nhân, về khía cạnh an toàn lò phản ứng và các ứng dụng hữu ích của kỹ thuật hạt nhân. Chuyến kiến tập và tham quan này có thể xem là bước khởi đầu của chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia trong định hướng quy hoạch đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.

 

Theo các chuyên gia, Việt Nam đặt mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 là làm chủ được công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân và có khả năng tham gia thiết kế cùng với các đối tác nước ngoài. Cụ thể, như trên đã nói, đến năm 2020, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động; đồng thời, khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Song song với hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, dự án các nhà máy điện hạt nhân tại các tỉnh khác cũng sẽ được triển khai công việc chuẩn bị địa điểm để có thể khởi công vào năm 2030. Dự kiến sẽ có khoảng 6 điểm để xây dựng nhà máy diện hạt nhân tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Hà Tĩnh trong thời gian tới.

 

Có thể nói, với Việt Nam, phát triển điện hạt nhân là một nhiệm vụ được đặt ra hết sức lớn lao, đầy khó khăn và rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, từ những bài học kinh nghiệm của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cùng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học và quản lý trên lĩnh vực điện hạt nhân, hy vọng chương trình phát triển điện hạt nhân trong tương lai của Việt Nam sẽ mang lại những kết quả như mong đợi, và điện hạt nhân sẽ trở thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước.

 

Thúy Hằng