Cơ quan Môi trường Liên bang của Đức vừa cho biết nước này có thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu điện năng từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2050 và trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên của thế giới từ bỏ thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nước này hiện tại đã thu được 16% lượng điện từ gió, mặt trời và các nguồn tái tạo – cao hơn ba lần mức Đức đạt được 15 năm trước đây.
Ông Jochen Flasbarth, chủ tịch của Cơ quan Môi trường Liên bang cho rằng: "Một sự chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo vào năm 2050 là có thể thực hiện được từ quan điểm kỹ thuật và sinh thái."
"Đó là một mục tiêu rất thực tế trên cơ sở các công nghệ hiện có chứ không phải là một dự đoán viễn tưởng", ông nói.
Nhờ Đạo luật năng lượng tái tạo, Đức đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực quang điện. Nước này dự kiến tăng thêm hơn 5.000 MW công suất quang điện trong năm nay để đạt tổng số là 14.000 MW. Đức cũng là nước sản xuất phong điện lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Khoảng 300 000 việc làm trong ngành năng lượng tái tạo đã được tạo ra tại Đức trong một thập kỷ qua.
Chính phủ đã đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính bằng 40% trong các năm 1990 - 2020, và 80% - 85% vào năm 2050. Mục tiêu đó có thể đạt được nếu Đức chuyển hoàn toàn sang các nguồn tái tạo vào năm 2050, ông Flasbarth nói.
Khoảng 40% lượng khí nhà kính của Đức bắt nguồn từ sản xuất điện, đặc biệt là từ các nhà máy điện đốt than.
Flasbarth cho biết nghiên cứu của Cơ quan Môi trường chứng tỏ rằng sự chuyển đổi sang điện tái tạo vào năm 2050 sẽ mang lại lợi thế kinh tế, đặc biệt cho các ngành sản xuất để xuất khẩu quan trọng đồng thời sẽ tạo ra hàng chục nghìn việc làm.
"Chi phí để chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo ít hơn nhiều so với chi phí để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra cho thế hệ tương lai", ông nói.
Tháng trước, một báo cáo của Trung tâm công nghệ thay thế tại Machynlleth, Vương quốc Anh, cho biết nước Anh có thể loại bỏ tất cả lượng khí thải cacbon của nó vào năm 2030 nếu nâng cấp hệ thống cung cấp điện năng của nước này.
Hồng Nhung (theo guardian.co.uk)