[In trang]
Nút thắt về giá kìm hãm sự phát triển năng lượng tái tạo
Thứ ba, 10/08/2010 - 15:42
Năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời được đánh giá là nguồn năng lượng tích cực góp phần giảm gánh nặng về năng lượng trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày cạn kiệt. Tuy Việt Nam đã sớm tiếp cận với việc khai thác tận dụng năng lượng tái tạo song cho đến nay các nguồn năng lượng này vẫn còn khá xa lạ. Nguyên nhân chính được nêu ra là vướng mắc về giá.

Năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời được đánh giá là nguồn năng lượng tích cực góp phần giảm gánh nặng về năng lượng trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống đang ngày cạn kiệt. Tuy Việt Nam đã sớm tiếp cận với việc khai thác tận dụng năng lượng tái tạo song cho đến nay các nguồn năng lượng này vẫn còn khá xa lạ. Nguyên nhân chính được nêu ra là vướng mắc về giá.


Ông Lê Tuấn Phong, Vụ phó Vụ Năng lượng, Bộ Công thương nhấn mạnh sở dĩ điện gió, điện mặt trời vẫn chưa thể “phủ sóng” vì giá thành quá cao. Cụ thể, so với giá điện hòa lưới quốc gia đang dùng, điện mặt trời đắt gấp 5 đến 7 lần và điện gió gấp hơn 2 lần.

Khai thác chưa tương xứng


 VVGbDXFfEN.jpg


Pin mặt trời nối lưới trình diễn


Mỗi ngày, mặt trời gửi xuống cho chúng ta từ 3-4,5 kWh/m2 (vào mùa đông) và từ 4,5-6,5 kWh/m2 (mùa hè). Tiềm năng về năng lượng gió tại VN, theo ước tính mới nhất của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 513.360MW (1 MW = 1.000 kW), tương đương với 200 lần công suất của thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc khai thác năng lượng từ mặt trời và gió hiện nay còn rất hạn chế, chủ yếu đang được khai thác ở dạng nhiệt năng (dùng để đun nước nóng), trong khi điện năng thì chưa phát triển.

 

Hiện tại, về điện gió chỉ mới có dự án do Công ty cổ phần phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam  (REVN) đầu tư tại Bình Thuận- Nhà máy điện gió Tuy Phong, với 5 tuốc-bin gió, công suất 1,5 MW/tuốc-bin.

 

Trước đó, đã có nhiều dự án khai thác điện gió song phần lớn thất bại bởi tính khả thi thấp hoặc gặp phải vướng mắc về vốn đầu tư. Mặc dù được đánh giá là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió lớn, có thể phát triển điện gió với quy mô lớn nhưng trên thực tế ngành điện gió Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, rải rác, chưa tương xứng tiềm năng.

 

Riêng điện mặt trời tại nước ta mới chỉ dừng ở quy mô hộ gia đình theo kiểu cá nhân, sản lượng nhỏ không thể thay thế điện lưới.

 
Bài toán về giá

 

Ông Phong cho biết, mặc dù nhận thấy rất rõ tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo song  Chính phủ vẫn phải chọn nguồn rẻ là thủy điện, nhiệt điện thay vì chấp nhận nguồn năng lượng sạch giá quá cao, không thể bù lỗ.

 

Hiện 5 tổ máy của nhà máy phong điện Tuy Phong đã hòa lưới điện quốc gia và vận hành tốt, đây là tín hiệu vui song giá bán lên tới 12,5 cent/kWh trong khi giá điện lưới của EVN là 5,5 cent/kWh.


 lap_-_rap-pin-mat-troi-red-sun.jpg


Lắp ráp pin mặt trời tại công ty RED SUN


Bộ Công thương vẫn chủ trương nghiên cứu về mặt khoa học công nghệ đối với hai loại hình điện mặt trời và điện gió, nhưng rất khó phát triển đại trà vì giá điện quá đắt đối với thu nhập trung bình của người dân hiện nay. “Điện mặt trời giá 40 cent/kWh, tương ứng với 9.000 đồng/kWh, điện gió khoảng 3.000 đồng/kWh (giá điện lưới trung bình có hỗ trợ khoảng 1.000 đồng/kWh). Dù là nguồn năng lượng sạch nhưng người dân không thể chấp nhận bởi mức giá…trên trời. – Ông Phong nói.

 

Nguyên nhân giá điện tái tạo cao được các chuyên gia nhận định là do đa số công nghệ, thiết bị Việt Nam còn phải nhập khẩu, chưa thể sản xuất hoàn toàn. Đó là chưa kể, giá pin mặt trời 1 vài năm gần đây đã rẻ đi rất nhiều. Vào năm 1960, để đầu tư cho mỗi một Wp điện mặt trời phải mất 1.000 USD, còn hiện nay là 4 USD/Wp.

 

Hơn nữa, nguyên nhân khiến giá điện cao bởi chưa được nối lưới. Nếu đã hòa được lưới điện quốc gia, chi phí đầu tư cả bộ gồm : tấm pin, bộ điều khiển sạc, bộ biến điện (DC-AC inverter) và bộ bình ắc-quy sẽ giảm đi nhiều (khoảng 50%). Giá bán điện mặt trời hiện nay là giá bán lẻ, nếu được trợ giá hoặc giảm thuế, bài toán về giá năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể.

 

Nguồn năng lượng của tương lai

 

Chưa thể phát triển ở quy mô lớn, chưa thể phù hợp với mặt bằng giá chung của người dân, năng lượng tái tạo ở Việt Nam lại có hướng đi riêng đó là phát triển nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu riêng của tổ chức, cá nhân hoặc từng khu vực.

 

Kết quả khảo sát tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 300.000 mái nhà có thể lắp đặt được tấm thu năng lượng mặt trời để sản xuất điện. Nếu như mỗi mái nhà lắp đặt 2 tấm thu năng lượng, với công suất 260W (có thể sử dụng đủ cho chiếu sáng, tivi, quạt) thì toàn TP sẽ có tổng công suất điện mặt trời là 78 MW (tương đương với Nhà máy thủy điện Cần Đơn), mỗi năm phát điện được khoảng 105 triệu kWh điện.

 

Với mức đầu tư cho điện mặt trời hiện nay khoảng 150.000 đồng/W, thì tổng mức đầu tư cho 78 MW nêu trên ước tính khoảng 11.700 tỉ đồng. Đó là tính theo giá bán lẻ. Khi đã triển khai được thành dự án lớn như nêu trên, giá thực thế sẽ có thể thấp hơn rất nhiều. Nếu được phép hòa lưới điện quốc gia mức đầu tư sẽ còn thể tiếp tục giảm xuống một mức giá hoàn toàn chấp nhận được. Phân tích trên cho thấy tính khả thi của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.


 tuyphong-_5_tuoc-bin.jpg


Tuốc bin gió ở Tuy Hòa - Bình Thuận


Tùy vào nhu cầu sử dụng, mức đầu tư cho điện mặt trời sẽ khác nhau. Đối với những công sở, văn phòng làm việc nhỏ, ít người, có thể đầu tư một hệ thống điện mặt trời có công suất từ 1-3kW, giá mỗi kW khoảng 120-150 triệu đồng, diện tích giàn pin từ 8-25m2. Những văn phòng, công sở có nhiều người làm việc, có thể lắp đặt hệ thống khoảng 10kW, giá khoảng 1 tỉ đồng, diện tích giàn pin chiếm khoảng 80m2.

 

Đối với hộ gia đình, nếu dùng để thắp sáng 2 bóng đèn compact tiết kiệm điện loại 14W, 1 tivi 21inch (110W) và 1 chiếc quạt bàn (40W), thì có thể đầu tư hệ thống có công suất 170Wp, giá 1.468 USD. Hệ thống nhỏ này mỗi ngày có thể sản suất được khoảng 0,7kWh điện. Còn hệ thống lớn hơn một chút, có công suất 340Wp, giá 2.702 USD, mỗi ngày sản xuất được khoảng 1,4kWh điện, có thể dùng liên tục trong 5 giờ liền để thắp sáng 6 bóng đèn  compact tiết kiệm điện, 1 máy cassette, 1 quạt bàn và 1 chiếc ti vi màu. Hệ thống lớn hơn nữa, có công suất 700Wp, giá bán 5.368 USD, sản xuất được khoảng 2,8kWh điện mỗi ngày, có thể thắp sáng được 4 compact tiết kiệm điện (trong 7 giờ), 1 máy cassette (6 giờ), 2 quạt bàn (7 giờ), 1 tivi (8 giờ) và 1 nồi cơm điện (1 giờ).

 

Mức đầu tư ban đầu tương đối lớn song đổi lại hệ thống điện mặt trời có tuổi thọ lớn thông thường trên 30 năm. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ trong khoảng 5 đến 7 năm người sử dụng đã có thể thu hồi vốn, thời gian sau đó là sử dụng điện miễn phí.


Việc đầu tư hệ thống điện mặt trời đặc biệt hiệu quả đối với những xa xôi, dân thưa thớt như miền núi, hải đảo bởi để kéo được điện lưới quốc gia chi phí là rất lớn trong khi đầu tư điện mặt trời đơn giản, thuận tiện hơn rất nhiều.

 

Với những ưu thế vượt trội trên, mặc dù giá thành đầu tư lớn, gặp nhiều rào cản song trong tương lai chắc chắn năng lượng tái tạo sẽ nhanh chóng phát triển, trở thành nguồn năng lượng thân thiện, quen thuộc đối với số đông người dùng.

 

Hùng Phong