[In trang]
Tiết kiệm năng lượng cần những giải pháp quyết liệt hơn
Thứ năm, 29/07/2010 - 04:41
Với sự tham gia tích cực của rất nhiều Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, giai đoạn I (2006-2010), Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã thu được kết quả ban đầu rất đáng khích lệ với con số tiết kiệm được 3,2% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia (chỉ tiêu đặt ra là tiết kiệm 3% - 5%). Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giai đoạn 1011-2015 tiết kiệm 5% - 8%, cần sự nỗ lực của rất nhiều cơ quan, ban ngành và cả cộng đồng.

Với sự tham gia tích cực của rất nhiều Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, giai đoạn I (2006-2010), Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã thu được kết quả ban đầu rất đáng khích lệ với con số tiết kiệm được 3,2% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia (chỉ tiêu đặt ra là tiết kiệm 3% - 5%). Tuy nhiên, để đạt mục tiêu giai đoạn 1011-2015 tiết kiệm 5% - 8%, cần sự nỗ lực của rất nhiều cơ quan, ban ngành và cả cộng đồng.

 

Hoạt động tiết kiệm năng lượng đang dần đi vào cuộc sống

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ), Chương trình đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TKNL bao gồm: Các Thông tư hướng dán nhãn tiết kiệm năng lượng; Thông tư hướng dẫn tiết kiệm điện, Nghị định về Quản lý chiếu sáng công cộng. Đặc biệt, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII ngày 17 tháng 6 năm 2010.


 bcd 01.jpg


Họp thường kỳ của Ban chỉ đạo chương trình


Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Luật sử dụng NLTK&HQ sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động về tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Chương trình còn triển khai được rất nhiều hoạt động hiệu quả như: Tổ chức mạng lưới quản lý và triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiêu quả tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Sự ra đời của trang tin điện tử vneec.gov.vn và tietkiemnangluong.com.vn cùng với các chương trình tuyên truyền cho các hoạt động TKNL trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường. Trên 1000 cán bộ quản lý năng lượng/điện đã được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực. Nhiều Hội nghị TKNL, nhiều cuộc thi sáng tạo các giải pháp TKNL, thi "Toà nhà tiết kiệm năng lượng", "Toà nhà hiệu quả năng lượng" đã được tổ chức hoặc tham gia rất thành công, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp  trong và ngoài nước.

 

Đặc biệt, việc triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình "Sử dụng năng lượng tiết kiệm trong mỗi hộ gia đình" đã đem lại hiệu quả rất cao trong việc khuyến khích các hộ gia đình từng bước trang thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, dần loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp.

 

Chương trình cũng đã tổ chức triển khai dán nhãn tiết kiệm năng lượng thí điểm cho các sản phẩm bình đun nước nóng, quạt điện, ballast điện tử và bóng đèn compact. Chuẩn bị điều kiện kỹ thuật cho việc tổ chức dán nhãn TKNL cho sản phẩm điều hòa không khí và tủ lạnh trong năm 2010; phấn đấu dán nhãn TKNL cho 10 sản phẩm. Hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất trong nước tuân thủ hiệu suất năng lượng. Hỗ trợ lắp đặt thí điểm hơn 3.000 giàn thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

 

Phối hợp với EVN đẩy mạnh chương trình phổ biến thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, quảng bá sử dụng đèn Compact giai đoạn 2007-2010. Hỗ trợ các nhà sản xuất nghiên cứu, chế tạo Ballast điện tử chất lượng cao thay thế dần Ballast sắt từ. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ, triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thiết kế xây dựng và quản lý các toà nhà.

 

Đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm vào hiệu quả vào các ngành Giáo dục, xây dựng, Giao thông vận tải như: tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đưa vào chương trình giảng dạy đối với các cấp học; triển khai cuộc vận động xây dựng công trình xanh; triển khai các giải pháp rút ngắn cung chặng vận tải, quản lý hành trình phương tiện, rút ngắn thời gian quay vòng toa xe, chế tạo thiết bị kiểm soát nhiên liệu trên đầu máy đường sắt; Ứng dụng thí điểm Cabin điện tử trong công tác đào tạo lái xe; Nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm nồi hơi sử dụng năng lượng khí xả trên tàu thuỷ; phân luồng hạn chế ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; kiểm tra phát thải của các phương tiện giao thông đường bộ tại các thành phố...

 

Hiệu quả sử dụng năng lượng vẫn còn quá thấp

 

Đây là vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại cuộc họp định kỳ của Ban chỉ đạo Chương trình. Theo tính toán của Bộ Công Thương, hệ số đàn hồi năng lượng 6 tháng đầu năm của cả nước lên tới 2,6% cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng của nhiều ngành công nghiệp ở nước ta quá thấp. Cụ thể, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu ở Việt Nam chỉ đạt 28-32%, thấp hơn 10% so với các nước khác, hiệu suất của các lò hơi công nghiệp cũng chỉ đạt khoảng 60% thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp của Việt Nam tốn kém hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực.


 DSC_0073.jpg


Ví dụ, để sản xuất 1 tấn thép, các nhà máy của Việt Nam tiêu thụ năng lượng gần gấp ba lần mức tiêu hao năng lượng trung bình của thế giới, gấp 1,5-1,7 lần so với Thái Lan và Malaysia.

 

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những bất hợp lý trong kiến trúc, tổ chức sản xuất thì nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là dây chuyền thiết bị quá cũ, công nghệ quá lạc hậu, thiết kế chưa tối ưu, vận hành chưa phù hợp, hành vi người sử dụng chưa hiệu quả ... là những nguyên nhân làm thất thoát năng lượng.

 

Theo một thống kê chưa đầy đủ, có đến 50-60% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ đời cũ, trong đó có cả những dây chuyền mới mua nhưng đã lạc hậu về mặt công nghệ hoặc mua cả những dây chuyền nước ngoài đã bỏ đi và được bán với giá rẻ nhưng “hao xăng, tốn điện” và ô nhiễm môi trường.

 

Kèm theo đó là khó khăn về tài chính cũng không cho phép những doanh nghiệp này đầu tư trang thiết bị hiện đại để có hiệu suất sử dụng năng lượng cao. Hoặc trong một toà nhà, các thành phần sử dụng năng lượng bao gồm hệ thống điều hoà không khí (chiếm 40 - 60%), hệ thống chiếu sáng (15-20%), hệ thống thiết bị văn phòng (10 - 15%), còn lại là dùng cho hệ thống thang máy và các thiết bị phụ trợ khác.

 

Một trong những nguyên nhân gây tốn năng lượng ở các tòa nhà là do các lớp vỏ công trình có thiết kế và vật liệu không đảm bảo yêu cầu TKNL; sử dụng kính có độ dày, màu sắc và độ cách nhiệt không phù hợp, hệ thống điều hòa không khí lắp đặt không phù hợp, cài đặt nhiệt độ quá thấp; thiết bị chiếu sáng sử dụng nhiều đèn sợi đốt… Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu quản lý tốt khâu thiết kế xây dựng công trình theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả sẽ tiết kiệm được từ 20-30% năng lượng tiêu thụ trong các tòa nhà.

 

Tăng cường vai trò của khoa học công nghệ, cần sự vào cuộc đồng bộ

 

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay rất nhiều tòa nhà ở Việt Nam chưa đạt yêu cầu về TKNL là do thiếu chính sách và  công cụ quản lý hiệu quả; thiếu năng lực kỹ thuật và quản lý sử dụng năng lượng; cả chủ sở hữu và người sử dụng thiếu quan tâm tới TKNL; thiếu thông tin về các sản phẩm, thiết bị TKNL…

 cap.jpg


Mới đây, tòa nhà Hanoi Tower (Hà Nội) đã được đầu tư cả triệu USD để thay đổi công nghệ thiết bị năng lượng trong tòa nhà như thay toàn bộ hệ thống điều hòa Multi 2 lốc thế hệ cũ (không Inverter, dùng gas R22) bằng điều hòa Multi Inverter gas R410A 1 lốc và đã tiết kiệm được 35-40% điện năng so với công nghệ cũ, đồng thời, đạt được tiêu chí của ISO 14001 về bảo vệ môi trường. Rõ ràng, để thực hiện giải pháp TKNL tối ưu trong các tòa nhà cao tầng không thể chỉ dựa vào các yếu tố tự nhiên như khoảng không gian xanh mà các yếu tố kỹ thuật cũng rất quan trọng trong việc lựa chọn, cải tạo, nâng cấp, sử dụng thiết bị. Có lẽ vì vậy mà cuộc thi “Tòa nhà tiết kiệm năng lượng” năm 2010 dự kiến có cả phần thưởng dành cho kiến trúc sư. Điều đó cho thấy, yếu tố khoa học rất được chú trọng.

 

Tại Bát Tràng, người dân đã chuyển từ đốt lò than truyền thống sang sử dụng lò ga bông gốm (lò con thoi) giảm tiêu hao nhiên liệu trên 30%, rút ngắn thời gian từ 20 - 24% so với công nghệ cũ, đưa chất lượng sản phẩm đạt tới 98-99% được coi là bước đột phá công nghệ thực sự, vừa TKNL vừa giảm ô nhiễm môi trường. Các mô hình trình diễn TKNL đều có vai trò rất lớn của KHCN thông qua việc nâng cấp chuyển giao cải tiến công nghệ, thiết bị. Đặc biệt, hoạt động kiểm toán năng lượng (KTNL) cũng không thể thiếu vắng vai trò của khoa học công nghệ trong việc khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng tiêu thụ năng lượng năng lượng của doanh nghiệp, từ đó xác định những khu vực sử dụng năng lượng lãng phí, tìm ra các cơ hội tiết kiệm năng lượng, đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho đơn vị.

 

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng có hệ thống thiết bị công nghệ lạc hậu nhất lại đang gặp  khó khăn nhiều nhất trước bài toán: vốn ở đâu, nên lựa chọn công nghệ gì? Được biết, giai đoạn 2006-2010 có khoảng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuộc 5 lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng sẽ được trợ giúp các giải pháp công nghệ nhằm sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng theo chương trình ký kết giữa Bộ Khoa học & Công nghệ và Chương trình phát triển LHQ (UNDP). Vấn đề là, theo đại diện của Bộ Khoa học công nghệ thì chương trình này còn thiếu vắng vai trò của khoa học công nghệ. Hơn nữa, do nguồn lực có hạn, phân bổ kinh phí dàn trải nên hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức thu hút doanh nghiệp, đó là chưa kể nhiều nơi có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nhà nước nên chưa chủ động tích cực triển khai.

 

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó TGĐ EVN cho rằng, giá điện quá thấp hiện nay cũng khiến nhiều doanh nghiệp không muốn thay đổi công nghệ. Khi bản thân doanh nghiệp chưa tự thấy được hiệu quả thì những giải pháp TKNL cho dù được hỗ trợ tài chính đủ mức cần thiết cũng không đem lại hiệu quả cao.

 

Ông Hùng nêu ví dụ: Nhà máy thép Shengli ở Quỳnh Phụ tiêu tốn 1,1 triệu kWh/ngày, chiếm 1/3 sản lượng tiêu thụ điện của cả tỉnh Thái Bình. Theo ông Hùng, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc lựa chọn đối tượng kêu gọi đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm tiêu chí tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Bởi vì nhiều doanh nghiệp du nhập thiết bị công nghệ lạc hậu có hiệu quả sử dụng năng lượng rất thấp và ô nhiễm môi trường.


 IMG_0095.jpg


Được biết, trong 11 đề án của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ có các nội dung: Hỗ trợ kỹ thuật đối với các nhà sản xuất trong nước (Đề án 6); Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nâng cấp, cải tiến, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Đề án 8); Khai thác tối ưu năng lực của phương tiện, thiết bị giao thông, giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ, hạn chế lượng phát thải ô nhiễm vào môi trường (Đề án 11) đều là những nội dung có liên quan đến vai trò của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các đề án này cần sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.

 

Cần có giải pháp quyết liệt hơn

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trưởng ban chỉ đạo phát biểu: yêu cầu phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là các giải pháp huy động vốn, đào tạo nhân lực, hỗ trợ khoa học công nghệ. Tiếp tục triển khai đồng bộ trên cơ sở lựa chọn các nội dung ưu tiên nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý xung quanh Luật sử dụng NLTK&HQ, xây dựng văn bản hướng dẫn dưới Luật để nhanh đưa Luật vào áp dụng, đây sẽ là hành lang pháp lý giúp thúc đẩy hoạt động KTNL một cách nhanh và hiệu quả nhất. Tích cực thực hiện xã hội hóa, khắc phục tư tưởng trông chờ vào nguồn vốn Chương trình. Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, huy động vốn, đào tạo nhân lực.

 

Đẩy mạnh kết nối vai trò của khoa học công nghệ. Đối với người dân, sử dụng năng lượng lãng phí một phần do thiếu hiểu biết về các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và đôi khi là thói quen đã ăn sâu vào nếp nghĩ. Vì vậy, cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề TKNL trong doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Tăng cường các giải pháp tư vấn giúp doanh nghiệp thực hiện KTNL. Chuẩn bị tốt các kế hoạch, giải pháp cho việc thực hiện Chương trình trong thời gian tới.

 

Ngọc Loan