[In trang]
3.000 tỷ đồng đào tạo nhân lực ngành điện hạt nhân
Thứ hai, 23/08/2010 - 12:12
Năm 2020 Việt Nam dự kiến có hơn 3.000 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân, quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử được đào tạo ở trong và ngoài nước.

Năm 2020 Việt Nam dự kiến có hơn 3.000 kỹ sư, 600 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành điện hạt nhân, quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử được đào tạo ở trong và ngoài nước.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa thông qua đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử", với tổng kinh phí dự kiến 3.000 tỷ đồng.

Thời gian đầu, Chính phủ sẽ tập trung cho 6 trung tâm đào tạo là ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực và Trung tâm đào tạo hạt nhân tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN). Chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào hàng năm của các cơ sở này đạt tối thiểu 250 sinh viên.


 DHN_Mo-hinh-Nga.jpg


Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được Nga xây dựng năm 2014


Đến năm 2020, Việt Nam dự kiến sẽ đào tạo được 2.400 kỹ sư, 350 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành điện hạt nhân; 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành quản lý, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh năng lượng nguyên tử. Trong đó, có ít nhất 200 kỹ sư và 150 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài.

 

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ đào tạo mới 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, và 500 lượt các nhà quản lý, khoa học được cử đi khảo sát, học tập kinh nghiệm và tham gia các khóa bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn tại các nước phát triển về năng lượng nguyên tử.

Trước đó, theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, năm 2008 cả nước có 505 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân, làm chủ yếu trong 10 cơ quan như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Lạt, ĐH Điện lực, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội và TP HCM)...

 

Nguồn nhân lực này đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là thiếu các nhà khoa học đầu đàn. Trong số 505 cán bộ này, chỉ có 62 tiến sĩ, độ tuổi trung bình là 50. Trong số 12 GS, PGS ngành này thì có tới 4 người tuổi 60-62, số còn lại cũng ở độ tuổi 50-55. Và 5 trường đại học đào tạo về điện hạt nhân, hiện, chỉ có 3 PGS. TS, 9 tiến sĩ, 21 thạc sĩ, 15 kỹ sư, cử nhân.

Năm 2014, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, công suất 2.000 MW do Nga xây dựng sẽ được khởi công và dự kiến năm 2020 đưa vào vận hành. Đây là công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế, với tổng mức đầu tư dự toán 200.000 tỷ đồng.


Tiến Dũng