[In trang]
Thực hiện TKNL ở Xí nghiệp chế biến lương thực Cao Lãnh
Thứ sáu, 17/09/2010 - 11:30
Xí nghiệp chế biến lương thực Cao Lãnh (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) có sản phẩm chính là gạo xuất khầu với năng lực sản xuất 200 tấn/ngày. Năng lượng phục vụ sản xuất của xí nghiệp chủ yếu là điện năng ngoài ra mỗi năm đơn vị này cũng tiêu thụ khoảng 44 tấn than. Tổng chi phí năng lượng mà doanh nghiệp phải trả hàng năm là trên 780 triệu đồng với trung bình vận hành 312 ngày/năm.

Nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Bộ Khoa học & Công Nghệ thực hiện dưới sự giám sát của UNDP và được tài trợ bởi quỹ môi trường toàn cầu GEF, Trung tâm Khuyến Công, tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp đã tiến hành kiểm toán năng lượng tại Xí nghiệp chế biến lương thực Cao Lãnh nhằm giúp đơn vị này nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất.

 

Xí nghiệp chế biến lương thực Cao Lãnh (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) có sản phẩm chính là gạo xuất khầu với năng lực sản xuất 200 tấn/ngày. Năng lượng phục vụ sản xuất của xí nghiệp chủ yếu là điện năng ngoài ra mỗi năm đơn vị này cũng tiêu thụ khoảng 44 tấn than. Tổng chi phí năng lượng mà doanh nghiệp phải trả hàng năm là trên 780 triệu đồng với trung bình vận hành 312 ngày/năm.


 gao 2.jpg


Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc xí nghiệp cho biết, để giảm chi phí điện năng nhà máy đã thực hiện giải pháp tránh sản xuất vào giờ cao điểm. Kết quả lượng điện năng tiêu thụ giờ cao điểm chỉ chiếm khoảng 3,82% chủ yếu là để phục vụ hệ thống chiếu sáng. Trong khi đó lượng điện năng tiêu thụ giờ thấp điểm chiếm đến 31,19%. Với cách làm này chi phí sản xuất đã giảm đáng kể do giá điện trung bình nhà máy phải trả khá thấp khoảng 731 đồng/KWh.

 

Mặc dù đã có ý thức tiết kiệm bằng cách tận dụng hoàn toàn ánh sáng tự nhiên vào ban ngày song lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng tại xí nghiệp vẫn ở mức cao do đèn đang sử dụng chưa phải là các loại đèn có hiệu suất phát quang cao. Giải pháp thay các bộ đèn huỳnh quang T10-40W đang sử dụng thành các bộ đèn T5- 28W sử dụng ballast điện tử tích hợp vừa TKNL mà vẩn đảm bảo độ sáng cần thiết giúp xí nghiệp tiết kiệm gần 6 nghìn KWh/năm tương đương trên 4 triệu đồng. Với giải pháp này doanh nghiệp chỉ phải đầu tư 12 triệu đồng, mỗi năm có thể giảm phát thải khoảng 3 tấn CO2.

 

Với đặc thù sản xuất lương thực xuất khẩu nên nhà máy sử dụng nhiều quạt hút cám xát và hút cám lau bóng. Các quạt này có công suất khá nhỏ nên khả năng áp dụng các biện pháp tiết kiệm  không có giá trị kinh tế cao. Mặt khác do bố trí không hợp lý nên các quạt hiện có không đủ áp lực đẩy cám đến balong buộc nhà máy phải lắp thêm quạt trợ lực gây tốn điện năng. Tuy nhiên theo các chuyên gia kiểm toán năng lượng thì thực chất công suất 2 quạt hiện tại hoàn toàn có thể đẩy cám tới balong, vấn đề là không đủ áp lực có thể do kích cỡ ống tại đoạn góp thiết kế không hợp lý.

 

 Trước tình trạng đó, giải pháp được đề xuất là thiết kế lại hệ thống ống dẫn kích thước phù hợp hoặc có thể xem xét tách 2 quạt hút cám đẩy tới 2 balong riêng biệt giúp giảm phải sử dụng thêm quạt trợ lực như hiện nay. Giải pháp này đem đến cơ hội tiết kiệm khoảng 9,5 triệu đồng/năm nhờ giảm tiêu hao trên 12 nghìn KWh. Đây là giải pháp đầu tư thấp, chỉ sau chưa đầy 6 tháng xí nghiệp có thể thu hồi mức vốn đầu tư ban đầu là 5 triệu đồng.


 gao 01.jpg


Trong quá trình quan sát, phân tích các chuyên gia nhận thấy Xí nghiệp chế biến lương thực Cao Lãnh sử dụng nhiều động cơ có công suất lớn. Đa phần trong số đó đã có thời gian sử dụng dài nên hiệu suất giảm. Thêm vào đó, các động cơ công suất nhỏ còn lại luôn hoạt động trong môi trường nhiều bụi bám rất dể cháy và thường xuyên quấn lại nên hiệu suất cũng giảm.

 

Để giảm thiểu năng lượng tiêu hao xí nghiệp cần thay 5 động cơ 33kW hiện có bằng động cơ 30kW được thiết kế chuyên dụng để tăng hiệu suất. Với các động cơ có công suất nhỏ hơn 15HP, nếu động cơ cháy nên xem xét thay thế thành các động cơ hiệu suất cao khi chi phí quấn lại vượt quá 40% chi phí mua mới. Việc sử dụng động cơ mới có hiệu suất cao vừa TKNL vừa có tuổi thọ tốt, giảm thiểu hỏng hóc ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất. Thực hiện giải pháp này doanh nghiệp có thể tiết kiệm trên 30 triệu đồng mỗi năm.

 

Bên cạnh các giải pháp về công nghệ, theo nhóm kiểm toán năng lượng thuộc Trung tâm Khuyến Công, tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp thì tiềm năng tiết kiệm tại nhà máy cơ bản nhất nằm ở vấn đề quản lý năng lượng và quản lý vận hành hiệu quả. Việc thực hiện hiệu quả vấn đề quản lý thực tế có khả năng mang lại hiệu quả tiết kiệm rất lớn mà không cần phải tốn chi phí đầu tư cao. Qua tính toán kỹ lưỡng, giải pháp quản lý năng lượng có thể giúp nhà máy tiết kiệm trên 20 triệu đồng/năm. 

 

Như vậy, thực hiện tất cả các giải pháp được đề xuất thông qua kiểm toán năng lượng mỗi năm Xí nghiệp chế biến lương thực Cao Lãnh có thể tiết kiệm trên 113 nghìn Kwh tương đương khoảng 85 triệu đồng đồng thời giảm thải ra môi trường là 48 tấn CO2. Thực hiện TKNL không chỉ giảm chi phí sản xuất cho chính xí nghiệp mà còn giúp giảm đi gánh nặng cung cấp điện cho lưới điện quốc gia.

 

Trần Linh