Friday, 15/11/2024 | 09:04 GMT+7
Ngày 28/6/2016, Bộ Xây dựng, Tổng công ty Viglacera và Báo Xây dựng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu phát triển vật liệu kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam”. Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu các công nghệ cao, sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, sản phẩm có nhiều ưu điểm vượt trội ngăn cản sự truyền nhiệt sẽ là giải pháp tối ưu trong các công trình xây dựng tại Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng); ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng; ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Công ty Kính nổi Viglacera cùng các nhà quản lý, doanh nghiệp ngành xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đánh giá, hiện tại nhiều công trình tại Việt Nam đang sử dụng kính tiết kiệm năng lượng nhập từ Trung Quốc, việc một doanh nghiệp trong nước tiên phong đầu tư, đưa sản phẩm tiết kiệm năng lượng có tính ưu việt ra thị trường trong nước, hướng tới lợi ích của người sử dụng là điều cần được ủng hộ.
Đồng thời, ông Nguyễn Công Thịnh cho rằng, các cơ quan quản lý cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh đơn giá định mức để phá vỡ rào cản này đối với các công trình đầu tư xây dựng trong nước. Bộ Xây dựng rất mong muốn việc khống chế quản lý tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng sẽ được rà soát và bổ sung kịp thời để có thêm nhiều công trình được ứng dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Cũng tại hội thảo, nhà thầu công nghệ và thiết bị là hãng Von Ardenne GmbH (CHLB Đức) là Tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị và công nghệ đã giới thiệu chi tiết những tính năng ưu việt trong các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng. Loại kính này giúp chủ đầu tư tiết kiệm năng lượng điện sử dụng điều hòa tới 45%, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng do ngăn cách 99% tia tử ngoại có hại cho sức khỏe.
Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Mai Ngọc