Đây là một trong các hoạt động thuộc Hợp phần 2 của Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn qua hệ thống quản lý năng lượng và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án IEEP), trong khuôn khổ Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP), do Liên minh Châu Âu tài trợ, Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, UNIDO là đơn vị triển khai.
Tham dự khóa đào tạo có bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Xanh và Khuyến công, đại diện Bộ Công Thương; cùng giảng viên quốc tế và các học viên là các chuyên gia kỹ thuật thuộc các công ty cung cấp dịch vụ năng lượng, trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp của các tỉnh/thành phố, các Trường đại học công nghệ, và các cán bộ doanh nghiệp công nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Xanh và Khuyến công phát biểu tại khóa đào tạo
Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang đã nhấn mạnh vai trò của việc tối ưu hóa các hệ thống sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp công nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, việc tối ưu vận hành và thiết kế có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí năng lượng, gia tăng khả năng cạnh tranh, gián tiếp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cũng giới thiệu các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP). Đây là các chương trình được thiết kế nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và cộng đồng áp dụng rộng rãi các biện pháp tiết kiệm và quản lý năng lượng.
Ông Harry Rosen - giảng viên, chuyên gia quốc tế của UNIDO chia sẻ kinh nghiệm tại buổi đào tạo
Tại khóa đào tạo, với sự hướng dẫn của ông Harry Rosen - giảng viên, chuyên gia quốc tế nhiều kinh nghiệm của UNIDO, các học viên có cơ hội làm quen và thực hành việc tối ưu hóa qua bốn bước: (1) Tổ chức việc đánh giá hệ thống bơm, (2) Tiến hành đánh giá, (3) Phân tích dữ liệu, (4) Lập báo cáo tối ưu hóa.
Chương trình đào tạo được các học viên đánh giá cao, với các nội dung mang tính thực tiễn như: đo lường hiệu suất hệ thống và dữ liệu vận hành, thiết lập đường cơ sở, xác định và phân tích các cơ hội cải tiến; phân tích dữ liệu và lập báo cáo tối ưu hóa cho hệ thống bơm trong nhà máy.
Khóa đào tạo “Tối ưu hóa hệ thống bơm” kéo dài trong hai ngày, thu hút sự tham gia của 45 cán bộ đến từ các doanh nghiệp công nghiệp, đại diện cho các lĩnh vực mục tiêu của dự án như: giấy và bột giấy, chế biến thực phẩm, chế biến cao su, đồ uống, dệt may, hóa chất và phân bón, nhựa, luyện kim và thép; cùng với 20 chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Minh Khuê