Thursday, 14/11/2024 | 22:49 GMT+7
Những ai từng đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng cách đây nhiều năm khi quay trở lại đều ngạc nhiên vì sự thay đổi của môi trường làng nghề này. Đường làng ngõ xóm Bát Tràng ngày nay không còn bụi mù vì khói lò nung, không còn đen sì vì bụi than như trước. Khách du lịch đến tham quan và mua sắm ở Bát Tràng cũng không còn phải đề phòng với khói bụi bằng cách đeo khẩu trang bịt kín như trước.
Anh Nguyễn Trung Kiên, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bát Tràng vui mừng thông báo, sau 5 năm tham gia sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, không chỉ đời sống kinh tế của các hộ dân ngày càng phát triển mà môi trường làng nghề cũng được cải thiện rất nhiều. Hiện nay, các hộ dân trong làng nghề đã chuyển từ sản xuất theo công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường sang các công nghệ tiên tiến hơn. Đặc biệt, nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia.
Tuy nhiên, để có bước chuyển biến về môi trường như hôm nay không dễ. Trước năm 1997, toàn xã Bát Tràng có trên 1.000 lò hộp đốt than của các hộ dân sản xuất gốm sứ. Trung bình mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại gồm: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn… Thống kê về sức khỏe cho thấy tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp và mắt của lao động và người dân trong vùng là rất nghiêm trọng. Trong thời gian từ 1998 đến 2005, công nghệ lò con thoi sử dụng khí gas hóa lỏng (LGP) đã được triển khai tại Bát Tràng. Mặc dù, so với sử dụng lò đốt than, công nghệ mới đã giúp cải thiện chất lượng môi trường nhưng vẫn còn nhiều nhược điểm: chi phí đầu tư cao, tiêu thụ nhiều nhiên liệu… Do đó, việc giải quyết đồng thời các vấn đề phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và cải thiện sức khỏe của người dân là một thách thức rất lớn đối với Bát Tràng.
Bài toán phát triển bền vững của làng nghề Bát Tràng chỉ thực sự được giải quyết khi doang nghiệp (DN) và người dân tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ sản xuất, đặc biệt là tham gia dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” do Bộ Khoa học – Công nghệ phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu của UNDP triển khai từ năm 2005. Dự án này đã giúp các hộ dân ở làng nghề chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.
DN của anh Nguyễn Mạnh Cường là một trong 30 DN ở làng nghề Bát Tràng được tham gia dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”. Tham gia dự án này vào năm 2008, DN của anh Nguyễn Mạnh Cường đã được bảo lãnh vốn vay với số tiền gần 800 triệu đồng đầu tư chuyển đổi công nghệ lò nung bằng than gây ô nhiễm môi trường sang lò gas cải tiến. Sau 3 năm chuyển đổi công nghệ sản xuất, anh Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Nung sản phẩm bằng lò gas cải tiến giúp DN giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30%. Lợi nhuận của DN cũng tăng gấp 2 – 3 lần so với công nghệ cũ bởi DN không chỉ tiết kiệm chi phí năng lượng mà công nghệ mới còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng lên tới 95 – 98% so với mức từ 60 – 70% so với trước kia. Với việc giảm chi phí nhiên liệu, chất lượng sản phẩm tăng cao, tuy phải vay hơn 800 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi công nghệ nhưng chỉ sau 3 năm đầu tư các hộ gia đình đã có thể thu hồi vốn”.
Do việc chuyển đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nên các DN rất cần sự hỗ trợ tài chính. Ông Nguyễn Bá Vinh, Giám đốc Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” cho biết, các DN tham gia dự án không chỉ được hỗ trợ về chuyển giao công nghệ mà còn được bảo lãnh để vay vốn với lãi suất thấp hơn lãi thị trường. Thành công của dự án này ở làng nghề Bát Tràng đã có sức lan tỏa rất lớn.
Ban đầu, việc vận động các hộ sản xuất cải tiến công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường cũng gặp không ít khó khăn. Người dân làng nghề gặp khó khăn nhất là về tài chính để chuyển đổi mô hình sản xuất. Tuy nhiên, việc các DN tham gia dự án thành công với việc chuyển đổi sang mô hình tiết kiệm năng lượng đã khích lệ DN và các hộ sản xuất khác trong làng nghề học tập và làm theo. Đến nay, cả làng nghề Bát Tràng đã có 131 DN và hộ sản xuất áp dụng công nghệ lò gas cải tiến. Hiện nay, số lượng DN và hộ sản xuất sử dụng lò đốt công nghệ tiên tiến chiếm tới hơn 90% số hộ ở làng nghề Bát Tràng.
Anh Nguyễn Trung Kiên cho biết, trong lịch sử phát triển, mặc dù nghề truyền thống gốm đem lại lợi ích kinh tế lo lớn cho người dân trong xã, nhưng lại đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thành công mô hình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động tới môi trường đã giúp Bát Tràng vững tin bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế và du lịch tại địa phương.
Theo battrang.info