Thursday, 16/01/2025 | 06:43 GMT+7
Giá điện tăng hồi giữa tháng 3 trong bối cảnh các doanh nghiệp chưa hết khó khăn. Do đó, bản thân các doanh nghiệp đã tự nâng cao ý thức tiết kiệm điện để cân bằng chi phí đầu vào, hạn chế việc tăng giá hàng hóa.
Đầu vào tăng, đầu ra khó tăng
Mặc dù giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3 nhưng phải đến nửa cuối tháng 4, khi nhận các hóa đơn tiền điện trong tay thì các doanh nghiệp (DN) mới thấy rõ tác động trực tiếp của việc tăng giá điện lên chi phí hoạt động.
Lắp đặt, cải tạo thiết bị nhằm tiết kiệm điện tại Nhà máy nước Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Công ty CP May Sơn Việt (TP Hồ Chí Minh) có hàng trăm máy may công nghiệp và các máy hơi vận hành dây chuyền sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng. Trung bình mỗi tháng, DN này chi 40 - 50 triệu đồng tiền điện. Trong tháng 4 vừa qua, giá điện tăng 7,5% nên DN phải chi thêm 3 - 3,7 triệu đồng. Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, mặc dù nguyên tắc đầu vào tăng giá thì giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể “mạnh dạn” tăng giá trong thời điểm hiện nay.
Ngành xi măng cũng đang trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết, giá điện tăng khiến các lĩnh vực phụ trợ liên quan đến xi măng cũng tăng theo. Theo tính toán, ngành xi măng phải điều chỉnh giá bán tăng 17.000 - 20.000 đồng/tấn thì mới hòa vốn. “Nhưng tăng giá vô cùng khó bởi phải tính đến người tiêu dùng cũng như giá quốc tế. Hơn nữa, các DN còn phải ‘nhìn nhau’ bởi nếu chỉ DN mình tăng giá thì sẽ không bán được”, ông Cung cho biết.
Không chỉ các DN sản xuất mà các DN khối dịch vụ cũng đang lo lắng không kém khi chi phí đầu vào bị đội lên. Đại diện chuỗi siêu thị điện máy Media Mart (Hà Nội) cho biết, mỗi tháng, chi phí sử dụng điện của cả hệ thống là khoảng 500 triệu đồng. Khi giá điện tăng 7,5%, công ty phải trả thêm hơn 37 triệu đồng cho hệ thống chiếu sáng, demo hình ảnh tivi, âm thanh, chạy thử sản phẩm… Tại hệ thống siêu thị máy tính Trần Anh, điện năng tiêu tốn khoảng 5% tổng chi phí đầu tư hằng tháng.
Hiện các siêu thị này đều cam kết không tăng giá sản phẩm, thay vào đó là kế hoạch tiết kiệm điện. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ước tính mỗi tháng, các siêu thị lớn phải tốn vài trăm triệu đồng, siêu thị nhỏ cũng phải chi vài chục triệu đồng tiền điện. Bởi vậy, tiết kiệm điện là giải pháp bắt buộc cho tình thế hiện nay.
Đối với các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, các DN đã bố trí lại không gian nhà xưởng, triển khai mở thêm các lỗ thông gió để hạn chế dùng quạt; thay đổi một số tấm lợp nhà nhựa trắng để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên; nhắc nhở các công nhân chỉ sử dụng các thiết bị máy móc khi thật cần thiết. Còn với các nhà máy công nghiệp nặng (trong ngành thép, xi măng…) tiêu tốn nhiều điện năng, khi mà việc thay thế các dây chuyền công nghệ chưa thể thực hiện bởi rào cản tài chính thì các DN đã rà soát, duy tu bảo dưỡng hệ thống dây chuyền, thiết bị sản xuất để giảm tổn thất điện năng; đẩy mạnh sản xuất vào ca đêm để hưởng giá điện thấp điểm.
Kiểm toán năng lượng
Theo khảo sát mới đây của Sở Công Thương Hà Nội thực hiện tại 92 DN trọng điểm, khoảng 60% DN đã thực hiện việc kiểm toán năng lượng và đã có cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng. Điều này cho thấy các DN đã tự có ý thức tiết kiệm điện để hạn chế những tác động của việc tăng giá điện gây ra đối với hoạt động sản xuất.
Năm nay là năm cuối cùng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2013 - 2015, Hà Nội đặt mục tiêu tiết kiệm 6 - 9% tổng mức điện năng tiêu thụ. TS Đào Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội cho biết, từ năm 2014, Hà Nội đã tập trung hỗ trợ cho các DN sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng cho 15 cơ sở sản xuất công nghiệp, tư vấn 76 giải pháp tiết kiệm năng lượng.
“Đối với các khu công nghiệp và chế xuất, thành phố đã hỗ trợ các DN tại các khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh thúc đẩy việc sử dụng trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: điện - điện tử, viễn thông, cơ khí, vật liệu. Trong đó, tư vấn cho 5 DN 28 giải pháp tiết kiệm năng lượng, giúp tiết kiệm 3,55 tỷ đồng/năm. Đối với các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm, trung tâm đã hướng dẫn 20 đơn vị xây dựng báo cáo tình hình sử dụng năng lượng và tự đánh giá khu vực tiêu hao nhiều năng lượng tại đơn vị; hỗ trợ tư vấn cho 6 đơn vị giải pháp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giúp tiết kiệm gần 720 triệu đồng/năm”, ông Thái cho biết.
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ DN tiết kiệm điện, tập trung vào giải pháp đổi mới công nghệ, ứng dụng phương pháp quản lý tiên tiến…
Theo Báo Tin Tức