Friday, 08/11/2024 | 08:47 GMT+7
Công nghệ cũ, lạc hậu là nguyên chính chính dẫn đến lãng phí năng lượng trong sản xuất công nghiệp ở nước ta hiện nay. Vấn đề này đã được các chuyên gia năng lượng chỉ ra từ rất lâu, nhưng đến nay việc khắc phục vẫn là một vấn đề vô cùng nan giải.
Doanh nghiệp kêu khó
Trong cơ cấu cấp điện cho nền kinh tế, lượng điện dành cho sản xuất công nghiệp, xây dựng chiếm một lượng rất lớn (trên 50%) nhưng đóng góp của khu vực này lại thấp hơn nhiều so với các ngành nông nghiệp hay thương mại - dịch vụ, chưa tương xứng với lượng điện năng sử dụng. Nguyên nhân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ ra là do việc sử dụng điện trong công nghiệp còn lãng phí, nhất là trong các ngành như thép, xi măng, hóa chất...
Sản xuất công nghiệp nước ta vẫn đang vô cùng lạc hậu. Trong khi các nước trên thế giới đã sử dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân vẫn sử dụng công nghệ từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Thậm chí, có doanh nghiệp mới thành lập nhưng vẫn sử dụng công nghệ cũ. Ý thức của nhiều doanh nghiệp đối với việc tiết kiệm năng lượng chưa cao.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về việc tiết kiệm năng lượng cho hay, họ hiểu rõ và ý thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng, nhưng muốn tiết kiệm năng lượng hiệu quả, bắt buộc phải đổi mới, thay thế công nghệ có hiệu suất cao. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, vốn là một bài toán khó mà các doanh nghiệp chưa tìm được lời giải.
“Để thay đổi công nghệ, phải tốn đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Kinh tế khó khăn, đủ các loại chi phí đè lên đầu doanh nghiệp. Tuy nhiều ngân hàng có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vay để phục vụ sản xuất xanh, đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng nhưng lại có quá nhiều ràng buộc, thời hạn vay ngắn...”, lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.
Hướng đi nào cho các doanh nghiệp
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, chúng ta đều nhận thức rõ rằng, công nghệ là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự lãng phí năng lượng. Muốn giải quyết vấn đề này, phải thay đổi công nghệ. Nhưng muốn thay đổi công nghệ phải có tiền, trong khi đó nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp không nhiều, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, nhà nước phải hỗ trợ, cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có một đơn vị đánh giá, thẩm định chính xác tiềm năng tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp đó, từ đó đưa ra lộ trình, kinh phí để doanh nghiệp thực hiện.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Ngãi cho rằng, doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong toàn thể cán bộ công nhân viên; nên bố trí quy trình vận hành theo hướng tiêu hao năng lượng ít nhất; bố trí vận hành theo chế độ ba ca, tận dụng nâng cao năng lực sản xuất ở các giờ thấp điểm... nhằm tối ưu hóa chi phí về năng lượng.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cập nhật số liệu về mức tiêu hao của các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng điểm, tiêu hao nhiều năng lượng. Từ đó, ban hành định mức tiêu hao năng lượng cho từng ngành cụ thể.
Hiện nay, Bộ cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xây dựng Quỹ ưu đãi với quy mô hơn 200 triệu USD, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, thay đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng. Dự kiến, Quỹ ưu đãi sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ đầu tư xanh thuộc Dự án “Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng” cũng đã đi vào vận hành, hỗ trợ tới 50% vốn cho các doanh nghiệpvừa và nhỏ và có cơ chế thưởng tới 30% khoản vay nếu doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Tiết kiệm năng lượng là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí khậu. Nhiều giải pháp, nhiều ưu đãi đã và đang được Bộ Công Thương và các tổ chức triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả.
Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, có cái nhìn đúng đắn hơn về tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng; từ đó nỗ lực vượt khó, chung tay cùng cả nước thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thanh Xuân