Wednesday, 13/11/2024 | 02:53 GMT+7

Đại sứ Anh: "Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển phong năng"

05/12/2015

Đại sứ Giles Lever bày tỏ lo ngại về việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch của Việt Nam, kỳ vọng Anh có thể giúp phát triển năng lượng sạch như gió và mặt trời.

Ông Lever trao đổi trước thềm Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP21) sẽ diễn ra tại Paris, Pháp vào cuối tháng.

Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever
 

Anh và Việt Nam đang hợp tác thế nào về năng lượng sạch?

Lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng rất nhanh, dự tính vào năm 2050, lượng phát thải của Việt Nam sẽ gấp ba lần lượng hiện nay của Anh, mặc dù nền kinh tế của các bạn có quy mô nhỏ hơn. Do đó chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Chúng tôi đang có một số dự án giúp Việt Nam phát triển mô hình tăng trưởng xanh. Đáng kể nhất là cùng Bộ Công thương và chính quyền Đà Nẵng xây dựng một công cụ đo dựa trên web, qua đó Việt Nam có thể xác định được nhu cầu năng lượng trong tương lai, làm sao đáp ứng được nhu cầu này và nó ảnh hưởng thế nào đến phát thải khí nhà kính. Dự án này sẽ rất hữu ích cho các nhà làm chính sách và công chúng thảo luận.

Ngoài ra, Anh và Australia cũng hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn và tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ khởi nghiệp liên quan đến công nghệ tăng trưởng xanh; giúp Việt Nam xem xét tư vấn về trợ cấp cho năng lượng hóa thạch, tư vấn về năng lượng hạt nhân; giúp các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.

Những khó khăn của các dự án này ?

Tôi cho rằng thách thức của các kế hoạch là liệu chúng có tác động đủ lớn đến việc ra chính sách ở tầm cao hay không, liệu có tác động đến thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đầu tư năng lượng tái tạo như gió, mặt trời hay không.

Còn triển vọng là gì thưa ông?

Với khí hậu và bờ biển dài, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển cả năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tuy nhiên các nhà đầu tư vẫn chưa thấy khả năng thực hiện được đầu tư thương mại. Than vẫn được cho là đóng vai trò chính trong sản xuất điện ở Việt Nam trong thời gian dài. Việt Nam dự kiến cũng có dự thảo kế hoạch về năng lượng mặt trời trong vài tháng tới, điều đó rất đáng mừng.

Việt Nam có thể học được gì từ Anh để phát triển năng lượng tái tạo?

Chúng tôi đang có những tiến triển trong phát triển năng lượng mặt trời. Đầu tiên là khiến loại năng lượng này trở nên thông dụng với công chúng, khi có đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giúp giá thành giảm. Năng lượng từ mặt trời hiện có giá rẻ hơn đến 70% so với thời điểm cách đây 5 năm. Càng có nhiều đầu tư vào công nghệ mới thì nó càng hiệu quả.

Hiện nay các lĩnh vực có kết nối với năng lượng sạch giúp Anh tạo ra một triệu việc làm mới ở thời điểm tháng 4 năm nay, tăng trưởng của ngành này cũng tăng nhanh hơn 4% so với tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ở cấp quốc gia, chúng tôi có cơ chế mạnh mẽ về phối hợp chính sách. Anh có riêng Bộ Năng lượng và biến đổi khí hậu, nó giống như hai mặt của một đồng xu. Sự phối hợp chặt chẽ ở cấp trung ương là rất cần thiết, cần có khung chính sách mạnh mẽ. Anh đã đặt mục tiêu cam kết ràng buộc về mặt pháp lý giảm phát thải khí nhà kính đến 80% trong giai đoạn từ 1990 đến 2050.

Chúng tôi cũng đặt ra ngân sách chặt chẽ trong 5 năm đối với các lĩnh vực liên quan đến phát thải khí nhà kính và tuân thủ chặt chẽ theo kế hoạch đó. Thách thức chính sách với Việt Nam là chính phủ cần xem làm sao tất cả các kế hoạch ăn khớp với nhau trong tăng trưởng xanh.

Anh có thể hỗ trợ thế nào để Việt Nam giảm phát thải 25% theo như trong báo cáo dự kiến quốc gia (INDC)?

Chúng tôi vẫn chưa rõ Việt Nam cần hỗ trợ gì từ cộng đồng quốc tế, hỗ trợ mức độ nào và ở lĩnh vực gì để giúp Việt Nam tăng cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ 8% (không có điều kiện) lên 25% (có hỗ trợ quốc tế). Chúng tôi hy vọng tìm thấy câu trả lời ở COP21. Về mặt tài chính, Anh tăng cam kết hỗ trợ trên toàn cầu ở mức 5,8 tỷ bảng (hơn 8,8 tỷ USD) trong giai đoạn 5 năm tới. Tuy nhiên mức này không phân bổ tự động cho từng nước mà dựa vào đề cương do các nước nêu ra.

Ông cho rằng các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam có thể đóng góp gì ở COP21 để các nước đạt được thỏa thuận ràng buộc về giảm phát thải?

Việt Nam có thể nêu lên tiếng nói của mình với tư cách một nước dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, rằng đây là vấn đề nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu. Các nước cần phải hành động để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ của trái đất trong thế kỷ này. Các nước đang phát triển có thể chỉ ra những điều gì còn tồn tại ở những nước phát triển như Mỹ, Anh, châu Âu, Trung Quốc. Nếu chúng ta ngừng chỉ ra các vấn đề thì các nước đang phát triển cũng tăng lượng khí thải, như thế thì chúng ta không giải quyết được vấn đề gì cả.

Theo Vnexpress