Rác thải không phải là những thứ bỏ đi mà chính là tài nguyên quốc gia. Tái chế, tái sử dụng, tạo vòng tuần hoàn cho rác thải chính là phương thức làm giàu từ rác - đó là chia sẻ của ông Trần Đại Đồng, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TP HCM.
PV: Thưa ông, lượng rác thải hiện nay ở TP HCM đang được xử lý như thế nào?
Ông Trần Đại Đồng: Lượng rác thải hiện nay trên toàn thành phố khoảng 7.000 tấn/ngày, chủ yếu được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Một số ít khoảng 300-500 tấn được dùng để tái chế làm phân bón. Hiện có 3 đơn vị chính làm công việc xử lý rác thải ở thành phố, trong đó công ty chúng tôi xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày chủ yếu cũng bằng công nghệ chôn lấp.
PV: Ngoài chôn lấp và sử dụng làm phân bón, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đã giới thiệu các công nghệ sản xuất xăng dầu, phát điện… từ rác thải?
Ông Trần Đại Đồng: Hiện nay, số rác thải tận dụng để sản xuất xăng dầu hay tạo ra điện rất ít, hầu như chỉ tồn tại ở dạng mô hình thí điểm và không cho thấy hiệu quả kinh tế. Công ty chúng tôi cũng có làm chương trình xử lý rác thải để tạo ra điện, đó là chương trình sử dụng nguồn vốn ODA từ Hà Lan, triển khai ở bãi rác Gò Cát (Tân Bình, TP HCM), ủ rác tạo khí gas, từ khí gas đem chạy máy phát điện nhưng lượng điện sản xuất ra cực kỳ nhỏ và không có hiệu quả kinh tế. Hướng đi lâu dài của công ty chúng tôi là xây dựng hệ thống xử lý rác thải không chôn lấp, tái chế hoàn toàn nguồn rác thải để tạo thành các sản phẩm bán ra thị trường.
Ông Trần Đại Đồng - Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường Đô thị TP HCM
PV: Ông có thể nói rõ hơn về hệ thống xử lý rác thải không chôn lấp mà công ty ông đang hướng đến?
Ông Trần Đại Đồng: Hiện nay, chúng tôi đang trình UBND TP HCM và Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố về dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải không chôn lấp. Với hệ thống này, rác thải sẽ được đưa vào trạm cân, qua khu lưu trữ đến hệ thống phân loại bằng tay, hệ thống băm, sau đó phân loại bằng máy, tách riêng phần rác hữu cơ và vô cơ ra. Phần rác thải vô cơ (đất đá, gỗ vụn, sắt thép…) sẽ được dùng để làm gạch block. Phần rác thải hữu cơ tiếp tục được đưa qua hệ thống phân loại, tách, bọc nilon rồi chuyển qua hệ thống ống sinh hóa, dùng đối kháng sinh học làm sạch rác, sau đó chuyển qua phần ống ủ để xử lý, phối trộn làm phân NPK. Một phần rác hữu cơ không tốt cho việc làm phân sẽ được chuyển qua làm viên nén nhiên liệu dùng trong đun nấu. Phần nilon, săm lốp xe được tái chế làm dầu FO, nhiên liệu phục vụ cho việc cán luyện thép. Tóm lại, ở hệ thống này chúng tôi hướng đến xử lý rác thải để làm ra 4 loại sản phẩm: Phân bón, gạch block, viên nhiên liệu và dầu FO.
PV: Hệ thống này doanh nghiệp ông nghiên cứu trên cơ sở công nghệ nào và có tính khả thi hay không?
Ông Trần Đại Đồng: Hệ thống này thật ra không phải là một phát kiến gì lớn. Nó là sự tổ hợp các công nghệ rời rạc hiện nay đã có mặt trong và ngoài nước. Ví dụ, trong khâu tách lọc bọc nilon, chúng tôi ứng dụng công nghệ Việt Nam đó là nâng cấp máy tuốt lúa trong nông nghiệp và thấy rằng dùng tách bọc nilon trong rác thải cũng rất hiệu quả. Hệ thống ống sinh hóa làm sạch rác, chúng tôi cũng mới dựng lại từ hệ thống ống sinh hóa trong công nghệ xử lý rác của Đan Mạch, trước đây viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ nước ta. Với dây chuyền này, công nghệ ủ của chúng tôi là công nghệ mới chưa có mặt tại Việt Nam. Chúng tôi dùng hệ thống ống ủ kín. Ưu điểm của hệ thống này là khống chế được nhiệt độ, độ ẩm trong ống và cấy được một số vi sinh có độ phân hủy cao để rút ngắn thời gian ủ, chỉ mất 8 ngày thay vì phải ủ hở như hiện nay mất từ 25-45 ngày mới ủ chín được rác dùng chế tạo thành phân bón.
Còn về tính khả thi, chúng tôi khẳng định về mặt công nghệ không có gì phải lo ngại. Chúng tôi đã làm được sản phẩm ở quy mô xưởng thử nghiệm (pilot) và cho thấy hiệu quả cao như: gạch, phân bón tạo ra có chất lượng tốt, viên nhiên liệu cũng đã được chế tạo thử thành công. Riêng về công nghệ làm dầu FO từ rác thì chúng tôi được giới thiệu công nghệ từ Đức, sản xuất được cả xăng, diezel, dầu FO, nhưng chúng tôi chỉ hướng đến mục tiêu sản xuất ra dầu FO vì thị trường tiêu thụ rộng hơn.
Quy trình xử lý rác thải không chôn lấp mà Công ty Môi trường Đô thị TP HCM hướng đến
PV: Hiện nay, công nghiệp tái tạo đang gặp phải vướng mắc lớn nhất là vốn và hiệu quả kinh tế các dự án. Với hệ thống này thì vốn đầu tư như thế nào và có đạt được hiệu quả kinh tế hay không?
Ông Trần Đại Đồng: Theo tính toán của chúng tôi, để đầu tư hệ thống tái chế hoàn toàn rác thải công suất xử lý từ 400-800 tấn rác/ngày thì vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng. Chúng ta có thể mở rộng thêm nhiều module để xử lý lượng rác thải nhiều hơn. Nghe số vốn đầu tư có vẻ lớn nhưng nếu nhìn xa hơn thì áp dụng công nghệ này có lợi hơn nhiều so với việc chôn lấp. Hiện nay, đầu tư một hố rác theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, công suất 2.000-3.000 tấn/ngày thì vốn đầu tư cũng khoảng 400 tỉ đồng nhưng thời hạn sử dụng chỉ được 6-7 năm thì hố rác cũng đầy, phải tìm đất để tiếp tục chôn lấp (một hố chôn lấp khoảng 40ha), trong khi đó đầu tư nhà máy xử lý thì diện tích đất chỉ khoảng 10ha và không giới hạn thời gian sử dụng. Ngoài ra, nếu làm công nghệ này, chúng tôi sẽ đề nghị mức giá bằng hoặc thấp hơn giá chôn lấp. Vì vậy, tôi khẳng định công nghệ này sẽ đạt hiệu quả kinh tế.
PV: Thực sự, ngành công nghiệp rác thải hiện đang thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp vì thực tế trên thế giới và cả ở nước ta nhiều người đã làm giàu nhờ rác thải?
Ông Trần Đại Đồng: Chúng tôi luôn quan niệm rằng, rác thải là tài nguyên quốc gia, không phải đồ bỏ đi. Khi tiếp cận được với các công nghệ tái chế và tái sử dụng rác thải thì tôi càng khẳng định điều này. Hiện nay, người ta cũng đang buôn bán quyền để làm rác thải. Không chỉ ở nước ta mà ở tất cả các nước trên thế giới đều như thế. Rác thải là tài nguyên nên mới bị bán, chứ là thứ bỏ đi thì không ai bán mà có bán cũng chẳng có người mua.
Bộ Công Thương đang xem xét thành lập Hiệp hội Công nghiệp Môi trường, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp làm kinh tế tái tạo. Ngoài tái tạo các nguồn năng lượng thì còn có tái chế, tái sử dụng chất thải, tạo vòng đời, vòng tuần hoàn cho nó. Đó là công nghệ mới mà nhiều nước đang hướng đến. Mặc dù, công nghệ thì luôn luôn phát triển nhưng theo tôi tái chế rác là một hướng làm rác hiệu quả, với hướng đi này chúng ta không chỉ sống được bằng nghề làm rác mà chắc chắn sẽ làm giàu được bằng nghề này.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Theo Petrotimes