Monday, 25/11/2024 | 17:58 GMT+7

Tiết kiệm điện như dân Nhật

10/08/2011

Khi được hỏi “Hiện nay người Nhật quan tâm đến điều gì nhất?”, anh bạn đồng nghiệp làm ở báo Mainichi trả lời: “Chắc là tiết kiệm điện.

Tokyo những ngày cuối tháng 7 không còn lung linh ánh đèn điện sáng choang về đêm như lúc tôi đến thăm những năm còn học đại học ở Nhật. Nhiều cửa tiệm trên phố điện tử Akihabara đã rút ngắn giờ hoạt động, tắt điện, đóng cửa sớm.

04979cbe5_nhat_ban.jpg

Tokyo về đêm không còn đèn sáng choang như trước

Khi được hỏi “Hiện nay người Nhật quan tâm đến điều gì nhất?”, anh bạn đồng nghiệp làm ở báo Mainichi trả lời: “Chắc là tiết kiệm điện. Từ khi các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa, một phần lớn nguồn cung mất đi. Hiện các cơ quan cũng như hộ gia đình được khuyến khích giảm thiểu 15% lượng điện tiêu thụ”.

Trút bỏ bớt quần áo để hạ nhiệt


Thời gian cuối tháng 7, đầu tháng 8 là đỉnh điểm mùa hè ở Nhật. Những năm gần đây, nhiệt độ lên cao kỷ lục 38-390C. Thế nhưng, người Nhật chỉ sử dụng máy điều hòa khi có khách đến chơi hoặc nhà đông người. Ở siêu thị, những mặt hàng giúp hạ nhiệt như túi chườm lạnh, dung dịch xịt làm mát, gối nước bán với giá dưới 1.000 yen (khoảng 260.000 đồng) được nhiều người ưa thích.

Công chức văn phòng Nhật trước đây quen ăn vận lịch sự nay lại nhiệt tình “trút bỏ bớt xiêm y” để tham gia tiết kiệm điện. Ở công sở, quý ông đi làm ăn mặc theo chiến dịch “Super coolbiz” (tạm dịch là công sở siêu mát), có thể không cần thắt cravat hay mặc áo vest.

Thật ra chiến dịch ăn mặc mát mẻ vào mùa hè đã được khởi xướng từ năm 2005 bởi cựu bộ trưởng môi trường Yuriko Koike. Khi dạo phố hay ở nhà, người dân cũng cố gắng ăn mặc mát mẻ. Một số công ty kinh doanh quần áo như Uniqlo đã tung ra áo thun, đồ lót có khả năng hút mồ hôi cao, chống dính vào da, tạo cảm giác thoáng mát.

Tại tòa soạn báo Mainichi, rèm cửa được vén lên, tận dụng ánh nắng. Không chỉ giúp tiết kiệm điện, ánh sáng mặt trời và không gian xanh ngoài cửa sổ còn giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn. “Lâu lâu ăn trưa ở căngtin, tôi cũng nhìn ra ngoài cửa sổ để lén xem gia đình Nhật hoàng dùng bữa đấy!” - ông Teruo Tsuneda, giám đốc thường vụ báo Mainichi, nói đùa khi tiếp chúng tôi.

Vào các công ty, siêu thị, cửa hàng ở Tokyo, tôi không có cảm giác “bỗng nhiên nổi da gà” vì chênh lệch nhiệt độ giữa bên ngoài và bên trong như ở Sài Gòn. Một cô bạn đồng hương thời đại học đang làm cho một công ty Nhật ở Tokyo cho biết chỉ những ngày nhiệt độ cao hơn 280C, công ty mới cho phép bật điều hòa và mặc định ở mức 280C, không được điều chỉnh thấp hơn. Ngoài ra, công ty còn tranh thủ giờ nghỉ trưa khi nhân viên đi ăn ở ngoài hoặc ngủ nghỉ để tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Làm cuối tuần, nghỉ giữa tuần

Gặp lại người bạn cũ tại ga Ueno vào một ngày không phải cuối tuần, tôi bất ngờ khi biết hôm đó là ngày nghỉ của cô ấy. Nhiều công ty đã chuyển sang làm thứ bảy, chủ nhật và cho nhân viên nghỉ vào ngày thường để đảm bảo điện ở Tokyo không bị quá tải. Những quán ăn, cà phê đều mở cửa sổ để tận dụng gió mát. Khổ nhất có lẽ là những người hút thuốc vì phải ngồi ở một khu riêng biệt, dưới tầng hầm, trong một không gian hẹp, không có điều hòa và đầy khói thuốc.

Tại các ga tàu điện, một số thang cuốn được đóng và số chuyến xe được cắt giảm. Trên xe điện, quảng cáo của Daikin, công ty sản xuất máy điều hòa, không sử dụng hình ảnh một sản phẩm cụ thể nào mà lại khéo léo đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng: “Chúng tôi hợp lực giúp các bạn trong việc tiết kiệm điện.

Từng ngày, từng tòa nhà, từng căn phòng, chúng tôi nghĩ thay các bạn và điều chỉnh điều hòa một cách hợp lý”. Trên quảng cáo còn kèm theo trang web mà người truy cập có thể tìm kiếm thêm thông tin để tự điều chỉnh các thiết bị điện hợp lý ở nhà, cơ quan và những điều nhỏ nhặt đến cả trẻ em cũng có thể làm để tiết kiệm điện.

Trên xe điện, tôi bắt gặp nhóm ba phụ nữ trung niên vừa nói chuyện vừa dùng quạt giấy phe phẩy cho đỡ nóng. Tôi chợt nhớ trong giỏ cũng có chiếc quạt giấy do anh bạn người Nhật tặng kèm lời nhắn nhủ: “Ở Nhật nóng lắm phải không? Mang theo cái này quạt cho mát nhé!”.

Tôi cứ cất mãi trong giỏ, không dùng để đem về Việt Nam làm kỷ niệm. Sống ở xứ nhiệt đới quen rồi, tôi có sá gì cái nóng Nhật Bản đâu.

Theo Tuổi trẻ cuối tuần