Tuesday, 24/12/2024 | 02:00 GMT+7

Doanh nghiệp nên tranh thủ thời cơ tham gia dán nhãn năng lượng

27/04/2012

Ông Tô Đình Thái, chuyên gia dự án “ Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng” chia sẻ những thông tin hữu ích dành cho doanh nghiệp xung quanh việc thực hiện dán nhãn năng lượng.

Bộ Công Thương đã ban hành thông tư 07/2012/TT-BCT hướng dẫn trình tự, thủ tục dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị. Trước đó, một số sản phẩm tiêu thụ điện thuộc nhóm gia dụng như đèn compact, đèn huỳnh quang, chấn lưu, quạt điện của một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đã được dán nhãn năng lượng, gồm cả nhãn năng lượng xác nhận và nhãn năng lượng so sánh. Tuy vậy, xung quanh trình tự, thủ tục để được chứng nhận dán nhãn năng lượng vẫn còn nhiều câu hỏi  từ phía nhà nhập khẩu và nhà sản xuất.

9fc318e3b_nhan.jpg
Nhãn năng lượng chính thức do Bộ Công Thương quy định

Trao đổi với phóng viên trang thông tin Tietkiemnangluong.com.vn về những vướng mắc của doanh nghiệp, ông Tô Đình Thái, chuyên gia dự án “ Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng”  - thuộc khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - đã đưa ra một số phân tích và giải thích cụ thể.

Tại sao doanh nghiệp phải tham gia thực hiện dán nhãn năng lượng?

dd5518a13_anh_chu_thai.jpgLuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Sau khi Luật có hiệu lực, một số văn bản dưới Luật đã được ban hành nhằm hướng dẫn cụ thể và biện pháp thi hành Luật. Theo đó, phương tiện, thiết bị thuộc danh mục phương tiện, thiết bị trong danh mục quy định phải  được dán nhãn năng lượng khi tiêu thụ trên thị trường trong nước. 

 Tại Quyết định 51/2011/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ cũng quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng. Cụ thể là, nhóm thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp được khuyến khích tự nguyện dán nhãn năng lượng đến hết 31/12/2012, và từ đầu năm 2013 sẽ bắt buộc phải dán nhãn năng lượng.

Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại vẫn tiếp tục được khuyến khích thực hiện dán nhãn năng lượng. Riêng đối với tủ giữ lạnh thương mại sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc từ năm 2014. Đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải, khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện đến hết ngày 31/12/2014, bắt đầu từ năm 2015 sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc đối với xe ô tô dưới 7 chỗ.

Như vậy, tham gia dán nhãn năng lượng là hành động của doanh nghiệp thực hiện các quy định của luật pháp. Thêm vào đó, ở thời điểm hiện tại, thực hiện dán nhãn năng lượng cũng chính là cách doanh nghiệp quảng bá về doanh nghiệp và sản phẩm của mình.

Làm thế nào để doanh nghiệp được chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng?

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng tham gia chứng nhận và dán nhãn năng lượng cần lập hồ sơ theo quy định,  lấy mẫu sản phẩm gửi tới tổ chức thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định để thử nghiệm và nhận phiếu kết quả thử nghiệm. Sau đó, doanh nghiệp gửi hồ sơ đầy đủ về Bộ Công Thương để được xét chứng nhận.

03b2c4df8_giay_chug_nhan.jpg
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đầy đủ về Bộ Công Thương để được xét chứng nhận.

Sau khi đánh giá đạt yêu cầu, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị được đăng ký. Nếu doanh nghiệp xin chứng nhận tại cơ sở sản xuất, kể cả cơ sở sản xuất tại nước ngoài đối với hàng nhập khẩu, thì giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng có thời hạn tối đa là 3 năm. Nếu xin chứng nhận cho lô hàng khi nhập qua cửa khẩu, thì giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng chỉ có giá trị cho lô hàng đó.

Trường hợp kết quả đánh giá không đạt, Bộ Công Thương sẽ thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp.

Chương trình dán nhãn đã được triển khai từ khá lâu, tuy nhiên đến thời điểm này số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia chưa nhiều. Theo ông, vướng mắc của doanh nghiệp là gì?

Dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện là việc làm cần thiết, thể hiện cam kết cao của Chính  phủ trong việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp này có hiệu quả. Dù đi sau, nhưng Việt Nam đã có những bước đi quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng phía trước còn nhiều thách thức.

84c609f5f_lua_chon.jpg
Nhãn năng lượng chính là “giấy thông hành”, minh chứng cho mức độ tiết kiệm năng lượng của sản phẩm.

Qua tiếp xúc với doanh nghiệp, khó khăn của doanh nghiệp là vấn đề thủ tục. Một số doanh nghiệp cho biết sản lượng mỗi mẫu sản phẩm không lớn, nhưng nhãn năng lượng phải có thông tin riêng cho mẫu đó nên số lương in mỗi mẫu nhãn năng lượng không đủ lớn, khiến chi phí in tăng.

Tuy vậy, lý do khiến doanh nghiệp chưa tích cực tự nguyện tham gia dán nhãn là do nhận thức chưa đầy đủ. Ngoài ra, việc thực hiện các quy định luật pháp thường chưa nghiêm, chưa có chế tài đủ mạnh, nên cũng khiến một số doanh nghiệp có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng.

Vậy ông có thể phân tích những lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi tham gia dán nhãn năng lượng tự nguyện?

Khi dán nhãn năng lượng cho sản phẩm, doanh nghiệp được lợi vì nhãn năng lượng sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện. Như vậy, nhãn năng lượng giúp sản phẩm cạnh tranh hơn so với sản phẩm không có nhãn năng lượng. Khi người tiêu dùng nhận ra nhãn năng lượng thì doanh nghiệp càng tham gia sớm càng có lợi thế cạnh tranh hơn.

Thông qua nhãn năng lượng, doanh  nghiệp còn khẳng định với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.  Nhãn năng lượng chính là “giấy thông hành”, minh chứng cho mức độ tiết kiệm năng lượng của sản phẩm.

Doanh nghiệp tham gia dán nhãn năng lượng trong giai đoạn tự nguyện này được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về lập hồ sơ, được các cơ sở thử nghiệm ưu đãi, khuyến khích. Khi việc dán nhãn năng lượng là bắt buộc theo quy định, thì sẽ không có dịch vụ nào là miễn phí nữa. Hiện tại Văn phòng tiết kiệm năng lượng có cử chuyên gia đến hướng dẫn miễn phí cho doanh nghiệp tham gia chương trình dán nhãn năng lượng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được lợi gián tiếp từ quảng bá rộng rãi nhãn năng lượng thông qua các chiến dịch truyền thông thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các sản phẩm có  nhãn năng lượng còn  được ưu tiên lựa chọn trong việc mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Làm thủ tục chứng nhận dán nhãn năng lượng cũng cần một ít thời gian. Việc thử nghiệm hiệu suất năng lượng cũng cần có thời gian. Để tránh quá tải cho việc xem xét, đánh giá hồ sơ, cũng như quá tải cho cơ sở thử nghiệm, doanh nghiệp nên sớm làm các thủ tục cần thiết.

Tóm lại, tôi mong doanh nghiệp nên tranh thủ thời cơ, đăng ký dán nhãn năng lượng càng sớm cáng tốt. Nên làm trước ngày 1/1/2013, tránh để sản phẩm phải dán nhãn năng lượng mà lại không có nhãn khi lưu thông tiêu thụ sau ngày 1/1/2013.

Xin cảm ơn ông về những trao đổi rất hữu ích dành cho doanh nghiệp!


Trần Liễu