Friday, 22/11/2024 | 20:11 GMT+7

Cải cách chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam

17/06/2014

Ngày 16/6, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố báo cáo "Tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam-Các kiến nghị và lộ trình cải cách chính sách".

Ngày 16/6, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố báo cáo "Tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam-Các kiến nghị và lộ trình cải cách chính sách".

Trình bày những điểm chính của báo cáo, bà Michaela Prokop, cố vấn chính sách về kinh tế của UNDP ghi nhận cam kết của Chính phủ Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó có việc tái cấu trúc ngành năng lượng. 

Bà Michaela Prokop cho biết ở Việt Nam, phần lớn trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cho than và các loại nhiên liệu khác. Trong giai đoạn từ năm 2007-2012, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam dao động từ 1,2-4,49 tỷ USD. Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch diễn ra thông qua các hình thức ưu đãi cho các nhà sản xuất và phân phối năng lượng, phần lớn là các doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như các khoản vay lãi suất thấp hoặc ưu đãi, chi phí thấp đối với đầu vào như đất đai và than (dùng cho phát điện).

6bc1e696e_than.jpg

Cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch sẽ nâng cao hiệu suất năng lượng

Do đó, cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch có những lợi ích đáng kể, bao gồm nâng cao hiệu suất năng lượng, tăng nguồn cung năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm gánh nặng tài khóa, tăng trưởng GDP cao hơn trong trung và dài hạn, cũng như đem lại tác động tích cực đối với môi trường.

Việc dỡ bỏ trợ giá nhiên liệu hóa thạch cũng là một cơ hội để chính sách năng lượng trở lên lũy tiến hơn và việc phân bổ nguồn lực nói chung hiệu quả và bao trùm hơn. Nhiều ảnh hưởng tích cực cũng sẽ được nhân lên đáng kể thông qua việc áp dụng dần định giá carbon. 

Theo báo cáo, những nỗ lực cải cách gần đây cần được thúc đẩy đáng kể để đáp ứng các mục tiêu tham vọng của chiến lược tăng trưởng xanh và để Việt Nam tiến tới một quỹ đạo tăng trưởng bền vững và bào trùm hơn. Cải cách chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi phải cải cách ngành năng lượng tổng thể, cải cách giá và một chiến lược truyền thông, tham vấn để kêu gọi sự ủng hộ trên diện rộng đối với cải cách. 

Báo cáo cũng cho rằng cần phải có các biện pháp để bảo vệ người nghèo cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất từ việc tăng giá năng lượng. Thông qua từ việc đưa ra các lựa chọn cải cách cụ thể cho từng vấn đề, báo cáo sẽ có đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một lộ trình cho cải cách.

Báo cáo dựa trên các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trung tâm phân tích và dự báo thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Viện Năng lượng, Viện Chiến lược tài chính, Liên minh năng lượng, Chương trình Sáng kiến trợ giá toàn cầu, Viện quốc tế về phát triển bền vững.

Theo TTXVN