Friday, 15/11/2024 | 16:53 GMT+7
Sau hai tuần đàm phán căng thẳng, các chính phủ đã xây dựng một văn bản dự thảo hy vọng sẽ đưa ra một thỏa thuận thành công về khí hậu toàn cầu ở Paris vào tháng 12/2015.
Trong khi các quan điểm thay đổi liên quan đến sự thành công hay thất bại của kết quả, có một câu chuyện khác đang nổi lên bên ngoài phòng đàm phán.
Hội nghị năm nay đã thể hiện một sự thay đổi đáng kể theo đà tích cực cho hành động ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Đồng thời các nhà đàm phán đã tham gia vào các cuộc tranh luận gay gắt, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và chính quyền địa phương đã trình bày những sáng kiến về khí hậu của mình và cam kết hành động hơn nữa. Trong thay đổi này, năng lượng tái tạo đóng vai trò trung tâm.
Theo cổng thông tin Hành động khí hậu Nazca, 319 thành phố và 261 công ty đang thực hiện hành động về biến đổi khí hậu. Trong tổng số 913 hành động được ghi nhận cho đến nay, thì có 402 hành động liên quan đến hiệu quả năng lượng và 242 hành động liên quan đến năng lượng tái tạo.
Những sáng kiến thuộc lĩnh vực tư nhân - như RE100 và Global Investor Statement on Climate Change - cũng nổi lên nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch và ủng hộ các nguồn năng lượng tái tạo.
Peru lập kế hoạch đến năm 2024 sẽ sản xuất 60% điện từ các nguồn năng lượng tái tạo; Chile tăng gấp đôi tổng công suất điện tái tạo vào năm 2014; Đức và Thụy Điển sẽ không phát thải cácbon vào năm 2050. Danh sách tiếp tục bao gồm 144 quốc gia đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, 50 quốc gia ủng hộ việc loại bỏ dần tổng phát thải thải cácbon vào năm 2050 và 100 quốc gia ủng hộ phát thải bằng không vào năm 2100.
Hành động này và hy vọng về giải pháp cho biến đổi khí hậu có thể đưa ra, đang được thúc đẩy một phần bởi lĩnh vực kinh doanh năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ. Năng lượng tái tạo hiện nay là nguồn năng lượng cạnh tranh nhất tại nhiều nơi trên thế giới.
Ở Dubai, điện được sản xuất từ năng lượng mặt trời đã đạt mức giá thấp kỷ lục 6 cent/kW/h tại một cuộc đấu giá vào tháng 11, giá năng lượng tái tạo rẻ hơn khí và than đá. Tại Braxin, mức giá thấp tương tự đã đạt được vào tháng 12 đối với năng lượng mặt trời.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (Irena), việc tăng gấp đôi thị phần năng lượng tái tạo trên thế giới vào năm 2030, từ khoảng 18% năm 2010 lên 36%, sẽ giúp tránh được những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu và giảm chi phí năng lượng so với việc không hành động.
Khi xét các yếu tố như chi phí cho sức khỏe và thiệt hại môi trường do ô nhiễm, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có thể tiết kiệm tới 740 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Nếu những chi phí này được xem như một nhân tố trong giá năng lượng thì năng lượng tái tạo và những giải pháp hiệu quả năng lượng sẽ rẻ hơn những lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài chi phí, năng lượng tái tạo cải thiện sức khỏe và an toàn cộng đồng, tạo ra công ăn việc làm, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu Irena phát hiện ra rằng, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tạo ra 6,5 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2013 (ngành than đã tạo việc làm cho 7 triệu người trong cùng một năm) và nếu các bước được thực hiện để tăng gấp đôi thị phần năng lượng tái tạo, con số này có thể lên đến 16 triệu việc làm vào năm 2030.
Động lực và hành động về những sáng kiến năng lượng vẫn được các nhà đàm phán tại Lima quan tâm. Tương lai không cácbon hiện nay là một phần chính thức trong các cuộc đàm phán và yêu cầu loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch được coi là một trong những lựa chọn trong văn bản đàm phán dự thảo.
Trong khi đây là một bước khởi đầu tốt đẹp, động lực mới nổi này phải được đưa vào các cuộc thảo luận chính trị liên quan đến nhiên liệu trong chương trình nghị sự về hành động khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh sang tương lai cácbon thấp. Định giá cho cácbon nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho những giải pháp năng lượng sạch là động lực quan trọng của chương trình nghị sự.
Để đẩy nhanh tiến độ mở rộng việc phát triển năng lượng tái tạo ở các quy mô cần thiết nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu, chúng ta cần thực hiện các bước khẩn trương và táo bạo. Hành động này phải được diễn ra trên quy toàn cầu và cả cấp địa phương, sự tham gia của tất cả mọi người từ các chính phủ, các tập đoàn đến các nhà đầu tư và các cá nhân.
Theo Adnan Z Amin