Friday, 15/11/2024 | 04:37 GMT+7

Pháp thúc đẩy thỏa thuận về khí hậu

04/06/2015

òn sáu tháng nữa Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hiệp quốc (COP 21) mới diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) nhưng Pháp đã muốn các nước đạt được văn bản tiền thỏa thuận ngay từ tháng 10-2015

Còn sáu tháng nữa Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Liên hiệp quốc (COP 21) mới diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) nhưng Pháp đã muốn các nước đạt được văn bản tiền thỏa thuận ngay từ tháng 10-2015 – theo Chủ tịch COP 21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.

Ngày 1-6, hội nghị khí hậu lần hai năm 2015, kéo dài 10 ngày, đã khai mạc tại thành phố Bonn (Đức) với sự tham dự của 195 nước tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu. Mục tiêu chính của hội nghị này là đạt thỏa thuận sơ bộ đa phương đầu tiên nhằm chuẩn bị cho văn bản thỏa thuận cuối cùng về biển đổi khí hậu, dự kiến sẽ được thông qua tại Paris đầu tháng 12-2015. 

Theo AFP, cơ sở đàm phán của hội nghị Bonn là Văn bản Genève, dài hơn 80 trang, được 195 nước chấp thuận tại hội nghị Genève hồi tháng 2-2015. Hiện, Văn bản Genève còn chứa đựng nhiều đề xuất trùng lặp và mâu thuẫn. Công việc của hội nghị lần này là làm sáng tỏ, sàng lọc và rút ra những điều căn bản.

Bộ trưởng Môi trường Pháp Ségolène Royal cho rằng tiến độ của các cuộc đàm phán hiện nay hoàn toàn không thích ứng với đòi hỏi khẩn cấp về khí hậu. Theo bà, phải thay đổi phương pháp tiến hành, đưa lên bàn một văn bản tập hợp tất cả cam kết của những nước đi trước nhất như Liên minh châu Âu (EU) và yêu cầu các nước còn lại bày tỏ quan điểm.

Pháp còn đón hai cuộc họp cấp bộ trưởng, cuộc họp đầu tiên vào ngày 20 và 21-7, cuộc họp tiếp theo vào ngày 7-9, để cho phép đạt được các tiến bộ về những vấn đề nhạy cảm nhất. Ngoại trưởng Pháp Fabius nhấn mạnh với mỗi hội nghị trước COP 21, cộng đồng quốc tế cần đạt được bước tiến thực sự.

Đường vẫn còn dài

Nhà kinh tế Anh Nicholas Stern nhấn mạnh “đường vẫn còn dài“ trước khi đạt được thỏa thuận quốc tế, có hiệu lực từ năm 2020, giới hạn nhiệt độ trái đất không tăng quá 2°C.

Theo nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu GIEC, để đi đến mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2°C, cần từ bỏ nhanh chóng việc sử dụng các năng lượng hóa thạch. Các vấn đề quan trọng hàng đầu khác như sử dụng tiền công quỹ cho việc giảm khí thải và hỗ trợ các nước thích nghi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo và tiểu đảo quốc, đòi hỏi cam kết rõ ràng từ các nước phát triển.

Châu Phi có thể trở thành tấm gương

Theo LHQ, hiện tại, các nước châu Phi cần 45 tỉ đô la Mỹ để thích ứng với biến đổi khí hậu - chi phí quá nặng cho khu vực chỉ góp 4% trong tổng lượng khí thải toàn cầu. Giải pháp để có nguồn tài chính, theo cựu Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Phi (BAD) D. Kaberuka là gia tăng đánh thuế cacbon, hoặc thuế thương mại hàng hải.

Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức của biến đối khí hậu, châu Phi nổi lên như một trong những khu vực mang lại hy vọng cho hành tinh. Quan chức BAD, ông Marthar Diop, nhận định: “Châu lục này có thể trở thành mô hình mẫu mực của tăng trưởng xanh, phát triển mà không để lại các hệ quả tiêu cực như các nước công nghiệp hóa. Hiện, một số nước châu Phi đã tiến khá xa, như Cap Vert (miền nam châu Phi) đã sản xuất hơn 20% điện từ năng lượng gió và hy vọng đạt 50% điện từ năng lượng gió trước năm 2020“.

 Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn