Thursday, 14/11/2024 | 23:10 GMT+7
Với vai trò là nước chủ nhà Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tháng 12 tới, Pháp lạc quan về một thỏa thuận ràng buộc và hối thúc các nước đưa ra cam kết của mình.
"Một thỏa thuận toàn cầu, mang tính ràng buộc về pháp lý về hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và giúp các nước ứng phó với sự thay đổi của khí hậu, là thách thức chính của chúng tôi", ông Philippe Zeller, Đại sứ của Pháp về COP21 tại châu Á, trao đổi với một nhóm phóng viên đến từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Bangkok, Thái Lan, mới đây.
Theo ông Zeller, Pháp muốn cùng 195 nước tham gia hội nghị COP21 xây dựng một "khối liên minh về khí hậu", thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Các nước cần hướng tới cam kết phù hợp với thỏa thuận về giảm phát thải đạt được hồi COP17 tại Durban (Nam Phi) năm 2011, thiết lập các quy tắc và các cơ chế để dần đạt được mục đích giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu từ 1,5 đến 2 độ C.
Đại sứ Pháp nhấn mạnh nước này trông đợi báo cáo Dự kiến đóng góp quốc gia tự quyết định (INDC) của các nước và đây sẽ là nhân tố giúp tạo nên một hiệu ứng dây chuyền và cho thấy các quốc gia đang tiến lên với cùng một hướng, tính đến cả tình hình cụ thể của mỗi nước.
INDC là nội dung mà các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) được yêu cầu xây dựng sau hội nghị COP19 tại Vacsava, Ba Lan hồi năm 2013. Báo cáo được coi là nội dung quan trọng góp phần xây dựng Thỏa thuận quốc tế toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được thông qua tại COP21 tại Paris, Pháp cuối năm nay.
Đến nay có khoảng 45 nước trong số 195 nước đã gửi INDC, bao gồm các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc cùng một số nước Mỹ Latinh và châu Phi.
"Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được báo cáo INDC của ít nhất 100 nước trong hai tháng tới. Pháp đang làm việc với tất cả các nước để đảm bảo từng nước sẽ gửi báo cáo càng sớm càng tốt, nêu lên tham vọng của mình cũng như trách nhiệm, năng lực và tình hình riêng. Mặc dù một số nước nỗ lực rất lớn nhưng hợp tác mang tính khu vực vẫn còn ở giai đoạn đầu" Đại sứ nói.
Ông Zeller cũng đánh giá cao nỗ lực thảo luận của các nước ASEAN. Mặc dù có sự khác biệt trong chính sách quốc gia của mỗi nước nhưng các thành viên của hiệp hội vẫn tìm thấy điểm chung để hợp tác tốt hơn và bắt tay vào hành động.
Riêng với Việt Nam, Đại sứ Pháp nêu thực tế về nhu cầu điện năng lớn, tương tự như các nước trong khu vực, nhưng cũng đang nỗ lực tìm nguồn thay thế than đá, yếu tố góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã tính đến năng lượng gió, chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
"Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, qua trao đổi với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điều tôi ấn tượng nhất là lãnh đạo Việt Nam ý thức rất rõ về những tác động và nguy cơ của biến đổi khí hậu". ông Zeller nói.
Theo Vnexpress