Thursday, 14/11/2024 | 03:54 GMT+7
Năng lượng tiêu hao chính tại Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 chủ yếu là dầu và điện năng trong đó điện năng tiêu thụ chiếm chủ yếu với 74% và dầu chiếm 26% năng lượng. Thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng, tính toán ban đầu cho thấy doanh nghiệp có thể tiết kiệm 19% tổng năng lượng tiêu thụ.
Thực hiện quản lý thiết bị phân phối và sử dụng điện hợp lý cụ thể là quản lý hệ thống đồng hồ đo đếm có thể tiết kiêm khoảng 2% tới 10% tiêu thụ điện năng. Đây là bước đầu tiên trong các hoạt động phát triển TKNL tại doanh nghiệp. Theo tính toán, nếu chỉ tiết kiệm được 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm công ty cũng đã giảm chi phí khoảng 126 triệu đồng.
Cải tạo hệ thống bơm mỗi năm công ty cũng tiết kiệm được khoảng 87 nghìn KWh điện tương đương gần 100 triệu đồng. Đối với máy nén khí, giải pháp đề xuất là lắp đặt thiết bị điều khiển cho nhiều máy, để máy nén vận hành với chế độ đầy tải, tránh được sự xuy giảm hiệu suất. Phương án này ước tính mang về mức tiết kiệm chi phí trên 46 triệu đồng mỗi năm.
Cải tạo hệ thống máy nén khí có thể tiết kiệm 46 triệu đồng/năm
Hiện nay các AHU và các OAH tại nhà máy được trang bị khá
lâu đang vận hành với hiệu suất khá thấp. Đây là nguyên nhân gây tổn thất điện
năng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hóa đơn tiền điện hàng tháng. Trước thực trạng
đó, nhóm kiểm toán đề nghị doanh nghiệp nên lắp đặt lần lượt VSD cho tất cả các
thiết bị AHU và OAH. Giải pháp này dự kiến có thể tiết kiệm 155 nghìn KWh/năm tức
gần 180 triệu đồng.
Trong quá trình đo kiểm các chuyên gia cũng nhận thấy sự mất cân bằng trong các pha của hệ thống điện sử dụng tại nguồn cấp đầu trạm biến áp và có sóng hài tại vị trí đo ở đầu cực trạm biến áp. Để khắc phục được thực trạng trên, nhằm nâng cao tính ổn định và điều kiện làm việc của hệ thống cung cấp điện, giảm tổn hao điện trên hệ thống điện cung cấp, nhà máy nên trang bị thiết bị Enerkeeper nhằm giảm sóng hài gây mất ổn định sự làm việc của các thiết bị. Theo thông tin của nhà cung cấp, lượng tiết kiệm có thể thu được từ 2 % - 10% tiêu thụ năng lượng.
Mặt khác, trong quá trình sản xuất Nhà máy đang sử dụng nhiên liệu là dầu DO với mức tiêu thụ hàng năm khoảng 160 nghìn lít. Đây là loại nhiên liệu có giá thành khá cao. Chuyển đổi từ dầu DO sang dầu FO hàng năm nhà máy cũng tiết kiêm được chi phí đáng kể. Giải pháp này đòi hỏi chi phí đầu tư khoảng 200 triệu gồm cải tạo vòi phun và thiết bị phụ trợ. Thời gian hoàn vốn là 1,2 năm.
Bên cạnh đó, nhóm kiểm toán năng lượng cũng đề xuất phương án lắp đặt hệ thống gia nhiệt bằng năng lượng mặt trời. Phương án này có thể nâng cao nhiệt độ của nước cấp nên 70 oC và có thể giảm 2% tiêu hao nhiên liệu của nồi hơi.
Trần Linh