Friday, 22/11/2024 | 21:53 GMT+7

ISO 50001 – GIẢI PHÁP CHO TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRONG CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP

24/11/2011

Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã nghiên cứu và công bố tiêu chuẩn ISO 50001: 2011 với tên gọi là “Hệ thống quản lý năng lượng – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng”.

Năng lượng là một trong những yếu tố hết sức quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên nguồn năng lượng đang được sử dụng phổ biến chủ yếu là nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí đốt, mà nguồn năng lượng này ngày càng cạn kiệt. Mặt khác, việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch nhiều đã thải vào môi trường một lượng khí thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường, gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.

b967f55b4_iso1.jpg

Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách và những biện pháp cụ thể nhằm khai thác, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, địa nhiệt, gió, v.v... Giải pháp phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đang gặp những khó khăn về công nghệ và giá thành và vì vậy chưa trở thành thương phẩm, hầu hết các dự án chỉ là dự án thí điểm, có hỗ trợ của nhà nước, hoặc các quỹ khác.

Có một giải pháp vừa đơn giản vừa có hiệu quả nhanh và cần ít vốn đầu tư mà hầu hết các nước đi đầu trong chiến lược tiết kiệm và bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường đã thực hiện, ngày nay đã trở thành thông lệ chung cho các nước đi sau, đó chính là sản xuất và sử dụng các sản phấm có hiệu suất năng lượng cao thông qua chương trình phát triển các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Chương trình này thường bắt đầu bằng việc xây dựng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (Minimum Energy Performance Standard - gọi tắt là MEPS). Bước tiếp theo là thúc đẩy hoạt động thử nghiệm, đánh giá, chứng nhận và dán nhãn năng lượng. Những năm đầu thông thường là dán nhãn tự nguyện, sau đó mới chuyển sang dán nhãn bắt buộc.

Trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc thực hiện chương trình phát triển tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Việt nam đã đưa ra một đề án tương tự trong giai đoạn 2005 – 2010 và hướng sự tập trung vào một số nhóm sản phẩm ưu tiên bao gồm: Thiết bị chiếu sáng (bao gồm các loại bóng đèn và balast); Động cơ điện; Tủ lạnh; Điều hòa không khí; Quạt điện; Nồi cơm điện; Bình đun nước nóng có dự trữ; Máy giặt; Máy biến áp phân phối, và tiếp theo là các thiết bị điện tử khác.
 
Tuy nhiên, tiềm năng tiết kiệm từ phía các thiết bị không nhiều. Mặt khác, khi hiệu suất năng lượng của thiết bị được nâng cao thì giá thành của thiết bị sẽ tăng cao và làm giảm năng lực cạnh tranh của chính thiết bị đó trên thị trường, nhất là thị trường ở các nước đang phát triển.

Trong khi đó, theo kết quả điều tra tại các doanh nghiệp, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất còn rất cao, nhất là các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu và trình độ quản lý thấp, ước tính vào khoảng 20% đến 25% năng lượng tiêu thụ. Điều này đã làm cho các nhà quản lý, các nhà khoa học và chính các nhà sản xuất phải nghĩ đến việc thiết lập một hệ thống quản lý năng lượng một cách tối ưu nhằm giảm thiểu thất thoát năng lượng trong quá trình sản xuất, giảm chi phí sản xuất, bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường.

0104c9cc4_iso_2.jpg

Trước nhu cầu của xã hội trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã nghiên cứu và công bố tiêu chuẩn ISO 50001: 2011 với tên gọi là “Hệ thống quản lý năng lượng – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng”. Với kỳ vọng tiêu chuẩn này sẽ được các quốc gia, các tổ chức tư vấn, tổ chức chứng nhận và đặc biệt là các doanh nghiệp đón nhận như đã đón nhận các tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001) nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Giới thiệu ISO 50001

ISO 50.001 - Tiêu chuẩn quản lý năng lượng đã được thiết kế để có thể áp dụng cho bất cứ tổ chức nào, không phụ thuộc vào qui mô của tổ chức. Tiêu chuẩn quản lý năng lượng có thể được áp dụng một cách riêng biệt hoặc có thể lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác. Tiêu chuẩn quản lý năng lượng không mô tả các tiêu chí hiệu quả cụ thể mà nó đặt ra yêu cầu để các tổ chức tham gia cam kết cải thiện hiệu quả năng lượng sử dụng một cách thường xuyên. Việc chứng nhận phù hợp với hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50.001 của một tổ chức chứng nhận độc lập không phải là yêu cầu bắt buộc của tiêu chuẩn này. Việc có lấy chứng chỉ hay không là quyền quyết định của tổ chức (người) áp dụng tiêu chuẩn quản lý năng lượng, trừ khi việc đó là yêu cầu bắt buộc theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Yêu cầu đối với hệ thống quản lý năng lượng

Việc tuân thủ các yêu cầu này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực về khía cạnh tiết kiệm năng lượng.
 
Yêu cầu chung

Doanh nghiệp phải thiết lập, thực hiện, duy trì và cải tiến thường xuyên hiệu quả, hiệu lực của hệ thống và đặc biệt là hiệu quả năng lượng.

Yêu cầu đối với lãnh đạo

Tiêu chuẩn quy định trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất cũng như đại diện lãnh đạo về năng lượng, bao gồm: xác định, thiết lập, tổ chức thực hiện, duy trì và cải tiến chính sách năng lượng, hệ thống quản lý năng lượng và đặc biệt là hiệu quả năng lượng; đảm bảo nguồn lực (con người, kinh nghiệm, công nghệ và tài chính).

Yêu cầu đối với chính sách năng lượng

Tiêu chuẩn quy định sự cam kết của doanh nghiệp để đạt được hiệu quả năng lượng và cải tiến để nâng cao hiệu quả năng lượng, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật, thích ứng với doanh nghiệp: mức độ sử dụng năng lượng, tình trạng sử dụng năng lượng (các dạng năng lượng đang sử dụng, ví dụ: điện năng than, dầu, khí, hơi hay khí nén, v.vv ...) và không quên đảm bảo cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tiết kiệm năng lượng cho khách hàng.

Yêu cầu đối với hoạch định năng lượng

Đây là phần chuẩn bị và rất quan trọng để thiết lập hệ thống quản lý năng lượng được chia thành sáu yêu cầu cụ thể:

+ Yêu cầu chung đối với việc hoạch định năng lượng : Doanh nghiệp phải lập thành văn bản cho các quá trình hoạch định năng lượng và đảm bảo phù hợp với chính sách năng lượng, đảm bảo cho các hoạt động cải tiến thường xuyên hiệu quả năng lượng.

+ Yêu cầu liên quan đến luật định: Doanh nghiệp phải xác định và có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng năng lượng, hiệu suất năng lượng và tiêu thụ năng lượng.

+ Yêu cầu về việc xem xét tình trạng năng lượng: Doanh nghiệp phải thu thập dữ liệu, tiến hành các phép đo và phân tích về tình trạng sử dụng năng lượng, tình trạng tiêu thụ năng lượng hiện tại cũng như trong quá khứ, xác định các khu vực, lĩnh vực sử dụng năng lượng một cách đáng kể và phân loại, xếp thứ tự ưu tiên để thiết lập mục tiêu năng lượng, chỉ tiêu năng lượng và cải tiến hiệu quả năng lượng.

+ Yêu cầu đối với việc thiết lập dữ liệu năng lượng cơ sở: Dựa vào kết quả của quá trình xem xét tình trạng năng lượng, doanh nghiệp phải thiết lập dữ liệu năng lượng cơ sở. Dữ liệu này phải được điều chỉnh mỗi khi có những thay đổi đáng kể có liên quan đến năng lượng và là căn cứ để so sánh với kết quả cải tiến hiệu quả năng lượng.

+ Yêu cầu về việc xác định chỉ số hiệu quả năng lượng: Doanh nghiệp phải xác định chỉ số hiệu quả năng lượng một cách thích hợp cho việc theo dõi và đo lường hiệu quả năng lường.

+ Yêu cầu về việc thiết lập mục tiêu năng lượng, chỉ tiêu năng lượng và kế hoạch thực hiện các hoạt động quản lý năng lượng: Doanh nghiệp phải thiết lập, thực hiện và duy trì mục tiêu và chỉ tiêu năng lượng tại các cấp, tại các quá trình hoặc các khu vực liên quan. Mục tiêu năng lượng phải phù hợp với chính sách năng lượng, chỉ tiêu năng lượng phải phù hợp với mục tiêu năng lượng và không được trái với quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp phải thiết lập, thực hiện và duy trì kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu năng lượng. Kế hoạch này phải chỉ ra người chịu trách nhiệm, các biện pháp và lịch trình thực hiện, cách thức kiểm tra xác nhận kết quả.

Yêu cầu về thực hiện và vận hành
Đây là là phần quan trọng nhất của hệ thống quản lý năng lượng được chia thành bảy yêu cầu cụ thể:

+  Yêu cầu chung: Doanh nghiệp phải sử dụng các kế hoạch hành động và các kết quả đầu ra (mục tiêu, chỉ tiêu năng lượng) đã được hoạch định để thực hiện và vận hành hệ thống quản lý năng lượng.

+ Yêu cầu về năng lực, đào tạo và nhận thức: Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng mọi người làm việc cho doanh nghiệp có liên quan đến việc sử dụng năng lượng đáng kể phải được đào tạo một cách thích hợp, có kỹ năng hoặc kinh nghiệm và nhận thức được:
  • Tầm quan trọng về sự phù hợp với chính sách năng lượng, các quy trình và hệ thống quản lý năng lượng.
  • Vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của họ nhằm đáp ứng các yêu cầu của hệ thống quản lý năng lượng.
  •  Lợi ích của việc nâng cao hiệu quả năng lượng.
  • Tác động hiện tại hoặc tiềm ẩn liên quan đến việc sử dụng và tiêu thụ năng lượng do hoạt động của họ gây ra.
+  Yêu cầu về trao đổi thông tin : Doanh nghiệp phải thiết lập các quá trình trao đổi thông tin nội bộ cũng như với bên ngoài liên quan đến hiệu quả năng lượng và hệ thống quản lý năng lượng, tạo điều kiện cho các thành viên tham gia góp ý kiến và đề xuất các sáng kiến cải tiến hệ thống và hiệu quả năng lượng.

+  Yêu cầu về hệ thống tài liệu: Doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống tài liệu và kiểm soát các tài liệu đó nhằm mô tả các yếu tố cơ bản của hệ thống và mối quan hệ của các yếu tố đó. Các tài liệu thường bao gồm: chính sách năng lượng; mục tiêu, chỉ tiêu năng lượng; kế hoạch hành động về năng lượng; các tài liệu theo yêu cầu của tiêu chuẩn và các tài liệu khác mà doanh nghiệp thấy là cần thiết.

+  Yêu cầu về kiểm soát quá trình vận hành: Doanh nghiệp phải xác định và lập kế hoạch vận hành và duy trì các hoạt động liên quan đáng kể đến việc sử dụng năng lượng và phù hợp với chính sách năng lượng, mục tiêu năng lượng, chỉ tiêu năng lượng. Kế hoạch vận hành phải được thực hiện trong các điều kiện quy định như: chuẩn mực cho vận hành có hiệu quả về năng lượng; vận hành các quá trình, thiết bị và hệ thống và truyền đạt một cách thích hợp cho người lao động về việc kiểm soát các quá trình vận hành đó.

+  Yêu cầu về kiểm soát hoạt động thiết kế: Doanh nghiệp phải xem xét, cân nhắc các cơ hội cải tiến hiệu quả năng lượng và kiểm soát hoạt động thiết kế mới cũng như điều chỉnh các thiết bị, quá trình và hệ thống gây tác động đến hiệu quả năng lượng.

+ Yêu cầu về mua các dịch vụ năng lượng, thiết bị, sản phẩm sử dụng năng lượng và năng lượng: Tổ chức khi mua sắm các dịch vụ hoặc các sản phẩm, thiết bị có liên quan đáng kể đến việc sử dụng năng lượng, phải thông báo cho các nhà cung cấp biết việc mua sắm là một hoạt động được đánh giá là một phần về hiệu quả năng lượng. Doanh nghiệp phải thiết lập các tiêu chí và thực hiện để đánh giá việc sử dụng năng lượng, tiêu thụ năng lượng và hiệu suất năng lượng của cả vòng đời của thiết bị và sản phẩm dự định mua.

Yêu cầu về hoạt động kiểm tra

Đây là phần không thể thiếu trong hệ thống quản lý nói chung và hệ thống quản lý năng lượng nói riêng nhằm xác định hiệu quả, hiệu lực của hệ thống, tạo cơ hội để cải tiến hiệu quả năng lượng và được chia thành năm yêu cầu cụ thể:

+  Yêu cầu về theo dõi, đo lường và phân tích: Doanh nghiệp phải đảm bảo cho các đặc tính chủ chốt của quá trình vận hành quyết định đến hiệu quả năng lượng được theo dõi, đo lường và phân tích định kỳ; ví dụ như: việc sử dụng năng lượng, kết quả xem xét tình trạng năng lượng; những biến động liên qua đến việc sử dụng năng lượng đáng kể; chỉ số hiệu quả năng lượng; hiệu lực thi hành kế hoạch hành động để đạt được mục tiêu và chỉ tiêu năng lượng và đánh giá mức tiêu thụ năng lượng trong tương lai.

+  Yêu cầu về đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật: Doanh nghiệp phải định kỳ đánh giá về sự tuân thủ các yêu cầu của pháp luật liên quan đến việc sử dụng năng lượng và mức tiêu thụ năng lượng.

+   Yêu cầu về đánh giá nội bộ hệ thống quản lý năng lượng: Doanh nghiệp phải định kỳ tổ chức đánh giá nội bộ để đảm bảo hệ thống:
  • Phù hợp với sự sắp đặt đã được hoạch định cho quản lý năng lượng, kể cả các yêu cầu của tiêu chuẩn này;
  •  Phù hợp với mục tiêu và chỉ tiêu năng lượng đã được thiết lập;
  • Được thực hiện và duy trì có hiệu quả và cải tiến hiệu quả năng lượng.

+  Yêu cầu về các hành động khắc phục và phòng ngừa: Doanh nghiệp phải tiến hành các hành động khắc phục và phòng ngừa mỗi khi có sự không phù hợp được phát hiện hoặc tiềm ẩn liên quan đến hậu quả về hiệu quả năng lượng.

+  Yêu cầu về kiểm soát hồ sơ: Doanh nghiệp phải thiết lập và duy trì hồ sơ nhằm chứng tỏ sự phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn và kết quả đạt được về hiệu quả năng lượng. Hồ sơ phải rõ ràng, dễ nhận biết và có thể truy tìm đến các hoạt động liên quan.

Yêu cầu về hoạt động xem xét của lãnh đạo

Phần này của tiêu chuẩn yêu cầu trách nhiệm của lãnh đạo phải định kỳ xem xét hiệu lực và hiệu quả của hệ thống, nhất là hiệu quả năng lượng và mức độ cải tiến, các nội dung cần xem xét cà kết quả xem xét. 
 
Để biết thêm thông tin, xin liên hệ:

Văn phòng Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng”

Điện thoại: 04 222 02597, Mobile: 0904765461 và Email: N.Pham@unido.org;


Lương văn Phan, Chuyên gia tư vấn năng lượng