Sáng nay, ngày 11/5/2012, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Giới thiệu về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001”. Hội thảo là một trong những hoạt động của chương trình xây dựng nguồn nhân lực về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 của dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”. Dự án do Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO thực hiện trong giai đoạn 7/2011 đến 12/2014.
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ KHCN&TKNL, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ KHCN&TKNL, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương cho biết “ Vì mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, việc sử dụng năng lượng và công tác quản lý năng lượng trong các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là yêu cầu bắt buộc, được quy định tại Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Giữa Luật và Tiêu chuẩn ISO 50001 có rất nhiều điểm chung. Chính vì vậy, việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 sẽ giúp các doanh nghiệp công nghiệp ở Việt Nam tuân thủ các quy định của Luật, tiết kiệm được chi phí, giảm chi phí sản xuất đồng thời tăng tính cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường”.
Quang cảnh hội nghị
Tiêu chuẩn quản lý năng lượng đã được ban hành và sử dụng tại nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… từ năm 2000 đến nay và đã mang lại hiệu quả năng lượng đáng kể cho các doanh nghiệp, tổ chức áp dụng. Tại Đan Mạch đã có khoảng 60% doanh nghiệp công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý năng lượng. Tại Nhật Bản, có đến 90 % doanh nghiệp trọng điểm áp dụng hệ thống này. Do yêu cầu của thị trường quốc tế và để chuẩn hóa hệ thống quản lý năng lượng, ngày 15/6/2011 Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành Tiêu chuẩn ISO 50001 – Hệ thống quản lý năng lượng. Đến nay, ISO 50001 đã được nhìn nhận như một công cụ quản lý năng lượng hữu hiệu trong rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Tại Việt Nam, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Luật quy định các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, ngoài việc thực hiện các quy định đối với lĩnh vực hoạt động có liên quan còn có nghĩa vụ chỉ định người quản lý năng lượng; thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm 1 lần; Áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có kế hoạch, báo cáo hàng năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đại diện Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Kinh Luân, chuyên viên tư vấn chính sách tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, để hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sử dụng năng lượng tuân thủ các quy định của Luật, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực phối hợp với các tổ chức/cơ quan liên quan để ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, cũng như xây dựng nhân lực về quản lý năng lượng và triển khai kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Tham gia hội thảo, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ được nâng cao hiểu biết về Luật, về hệ thống quản lý năng lượng và ISO 50001 để từ đó hiểu đúng, làm đúng, đem lại hiệu quả sử dụng năng lượng cao.
Cũng tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã được nghe 2 chuyên gia quản lý năng lượng đến từ UNIDO phân tích lợi ích của việc quản lý hiệu quả năng lượng, các lợi ích của việc áp dụng ISO 50001 cũng như việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thông qua hệ thống quản lý năng lượng.
Các chuyên gia của UNIDO nhấn mạnh, mức sử dụng năng lượng trong công nghiệp có thể lên tới 50% tổng năng lượng sử dụng và có thể tạo ra những vấn đề về nguồn cung trong thời gian tới. Không chỉ có thế, điều này còn là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu do lượng phát thải nhà kính ngày một tăng. Các ngành công nghiệp toàn cầu có thể giảm lượng phát thải CO2 từ 19- 31% bằng cách sử dụng công nghệ đã được kiểm chứng và vận hành tốt. Hệ thống quản lý năng lượng trong mỗi doanh nghiệp chính là chìa khóa góp phần lớn vào tiết kiệm năng lượng.
ISO 50001- Tiêu chuẩn quản lý năng lượng
Mục đích: Cho
phép các tổ chức xây dựng hệ thống và quy trình cần thiết để cải thiện hiệu
suất năng lượng.
ISO
50001 sẽ giúp các DN:
+ Xây dựng
chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
+ Xác định
các mục tiêu và chỉ tiêu phù hợp với chính sách đặt ra
+ Sử dụng số
liệu (dữ liệu) để hiểu rõ hơn và đưa ra các quyết định liên quan đến việc sử
dụng năng lượng
+ Đo lường kết
quả
+ Đánh giá hiệu
quả của chính sách
+ Tiếp tục cải
thiện hệ thống quản lý năng lượng
|
Trần Liễu