Sáng ngày 17/10/2013, tại Hà Nội, Dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam (CPEE) đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) tổ chức Hội thảo cuối cùng về xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng cho ngành hóa chất tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng cho ngành hóa chất
Đến dự hội thảo có ông Cao Quốc Hưng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng – Bộ Công Thương; ông Nguyễn Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và tiết kiệm năng lượng - Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương; đại diện từ các bộ, ngành liên quan; các chuyên gia và doanh nghiệp thuộc ngành Hóa chất.
Theo thống kê, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành hóa chất có thể lên đến 40%. Do đó, Dự án Xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam là một phần thuộc Dự án TKNL và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam, được thực hiện nhằm thiết lập hiệu suất năng lượng cho sản xuất một số ngành hóa chất; xây dựng kế hoạch hành động hiệu quả năng lượng cho ngành; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong TKNL ngành hóa chất; hỗ trợ Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật hiệu suất năng lượng…
Hội thảo này được tổ chức nhằm trình bày những kết quả kiểm toán sơ bộ và xây dựng mức chuẩn hiệu quả năng lượng cho ngành hóa chất, đồng thời thu thập ý kiến phản hồi để hoàn thiện dự án. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục xây dựng những kế hoạch và hành động hiệu quả năng lượng cho ngành; tổ chức hội thảo để phổ cập kế hoạch hành động này, đồng thời khởi thảo quy chuẩn kỹ thuật hiệu suất năng lượng trong sản xuất sản phẩm hóa chất.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra kết quả kiểm toán năng lưc sơ bộ và xây dựng mức chuẩn về kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng trong các phân ngành hóa chất lựa chọn tại Việt Nam, cùng với đó, ước tính tính tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng như dự thảo kế hoạch hành động tiết kiệm năng lương trong các phân ngành này.
Theo nghiên cứu của ENERTEAM, tiềm năng tiết kiệm năng lượng mua vào của phân ngành Chế biến Cao su nguyên liệu là 17%, trong đó về điện năng tiết kiệm 20.393.102kWh/năm, về nhiệt năng tiết kiệm được 196.698.485MJ/năm. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng mua vào của phân ngành Sản xuất Phân bón NPK là 15%, trong đó điện năng tiết kiệm 28.463.839 kWh/năm, nhiệt năng là 661.176.784 MJ/năm. Riêng phân ngành Sản xuất Sơn, đây là ngành chỉ sử dụng điện phục vụ sản xuất, ước tính tiết kiệm được 5.831.000kWh/năm đối với sơn gốc nước và 6.060.600kWh/năm đối với sơn gốc dung môi.
Ngoài ra, tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định các rào cản chính của các doanh nghiệp khi áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng là các công nghệ còn mới chưa được áp dụng trong công nghiệp, các công nghệ và thiết bị cũ vẫn còn hoạt động tốt cùng với đó là khó khăn về tài chính, đặc biệt là điều kiện hiện tại của nền kinh tế dẫn đến khó khăn ở đầu ra cho các doanh nghiệp.
Tuấn Anh