Wednesday, 15/01/2025 | 05:40 GMT+7
Một trong những giải pháp đảm bảo an toàn cung cấp điện chính là đẩy mạnh công tác truyền thông sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và tăng cường chăm sóc khách hàng. Đây là hướng đi đã được các Tổng công ty điện lực thực hiện có hiệu quả trong những năm qua và EVN NPC cũng vậy.
Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư. Ảnh: TTXVN
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc EVN NPC cho biết, ngay từ cuối năm 2015, Tổng công ty đã giao kế hoạch đầu tư 2.500 tỷ đồng sớm cho các Công ty điện lực cấy thêm gần 1.600 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 312 MW cùng hàng nghìn km đường dây trung, hạ thế.
Nhờ vậy, các công trình này đã hoàn thành ngay trong tháng 4 và tháng 5.
Bên cạnh đó, EVN NPC cũng nâng công suất các trạm biến áp 110kV, đường dây 110kV để tăng năng lực cấp điện cho các địa bàn; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt nâng dung lượng các tụ bù để hoàn thành trong tháng 6 này.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị điện lực tăng cường kiểm tra các đường dây và trạm biến áp quá tải nhằm xử lý kịp thời các khiếm khuyết của đường dây, thiết bị trạm, từ đó ngăn ngừa sự cố chủ quan xảy ra, cũng như có kế hoạch khắc phục trong thời gian sớm nhất...
Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, ngoài các giải pháp đó, khâu tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp đồng hành cùng ngành điện trong việc tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả, giảm tối đa tình trạng quá tải hệ thống điện là rất quan trọng.
Bởi, nếu doanh nghiệp và người dân không đồng hành cùng ngành điện thì dù có kế hoạch xây – sửa, cũng khó tránh khỏi việc quá tải. Không chỉ ngành điện chú trọng đến việc tiết kiệm điện, mà chính bản thân các doanh nghiệp và người dân cũng đã nhận thức được lợi ích từ chủ trương này.
Công nhân ngành Điện lực Lai Châu giới thiệu bóng đèn tiết kiệm điện cho người dân xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ. Ảnh: Nguyễn Duy-TTXVN
Theo Giám đốc Công ty cổ phần ống đồng Toàn Phát, vì chi phí tiền điện chiếm khá lớn trong chi phí sản xuất, khoảng hơn 12 triệu kWh/năm, tương đương gần 20 tỷ đồng nên doanh nghiệp đã đầu tư 95% thiết bị tiết kiệm năng lượng và tăng hiệu quả; sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và lắp công-tơ ở các máy để theo dõi định kỳ hàng tháng việc sử dụng điện.
Vì vậy, trong năm vừa qua, doanh nghiệp đã tiết giảm khoảng 10% chi phí điện, tính trên đơn vị sản phẩm, tương đương khoảng 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Toàn Phát còn liên tục đặt mục tiêu tiết kiệm điện cho mỗi bộ phận và có khen thưởng.Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương về kiểm toán năng lượng.
Ông Phùng Đình Thông, Giám đốc công ty Thép Thắng Lợi cho hay, với chi phí khoảng 10 tỷ đồng/năm cho tiền điện nên chỉ cần tiết kiệm được 5-10%/năm cũng là con số rất lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với lợi ích này, doanh nghiệp đã liên tục tuyên truyền đến người lao động về tiết kiệm điện và có kế hoạch để thay đổi các thiết bị hiện đại, giảm tiêu hao điện năng.
Theo bnews.vn