Saturday, 09/11/2024 | 08:51 GMT+7

Nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm

14/04/2017

Ngày 7/3, Tổng Cục Năng Lượng đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Mô hình Esco tại Việt Nam”.

  • Ngày 7/3, Tổng Cục Năng Lượng đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Mô hình Esco tại Việt Nam”.

Dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” do Ngân hang Thế giới (WB) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương.

Trong khuôn khổ dự án, Bộ Công Thương triển khai chương trình Thỏa thuận tự nguyện thí điểm (Chương trình VA) và phổ biến mô hình công ty dịch vụ năng lượng (Mô hình Esco) tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Chương trình VA và mô hình Esco hướng tới mục đích thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp ở Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Phú Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng thuộc Tổng cục Năng lượng cho biết: Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm thực hiện Chương trình VA và phổ biến Mô hình ESCO cho các doanh nghiệp trên cả nước, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp và doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Qua đó, Tổng cục Năng lượng mong muốn được lắng nghe ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, doanh nghiệp để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương, đồng thời đưa ra các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ hợp lý nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả tiết kiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Các đại biểu tham dự chia sẻ tại hội thảo

Tại hội thảo, đại diện các bên tham gia đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như các khó khăn khi triển khai, các điều kiện để thực hiện áp dụng Chương trình VA, Mô hình ESCO... Bên cạnh đó các đại biểu cũng thống nhất quan điểm, để nhân rộng Mô hình ESCO tại Việt Nam, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp; cần đến sự hỗ trợ của nhà nước thông qua cơ chế chính sách. Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng Ban kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ: Thị trường ESCO ở VIệt Nam còn khá mới nên khách hàng còn thiếu thông tin và chưa tin tưởng vào năng lượng tiết kiệm. Ngoài ra, nguồn lực và các giải pháp kỹ thuật, đội ngũ nhân lực còn hạn chế; khó xác định thời gian thu hồi vốn; dự án nhỏ, chi phí cao…

Trước những khó khăn, nhiều ý kiến kiến nghị nên đẩy mạnh truyền thông, marketing về Esco; thành lập, phát huy vai trò của Hiệp hội Esco… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần hoàn thiện về thể chế, chính sách thúc đẩy ESCO; xây dựng cơ chế tài chính bền vững và mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp - công ty ESCO và các tổ chức tín dụng; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực…

Chương trình VA
Tham gia Chương trình VA, các doanh nghiệp cam kết thực hiện các mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất dựa trên sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương. Chương trình triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có nguyện vọng xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong sản xuất lâu dài và bền vững đều có thể tham gia chương trình.
Doanh nghiệp tham gia Chương trình VA được cấp chứng nhận của Bộ Công Thương, được tặng cúp doanh nghiệp nếu thực hiện tốt các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được quảng bá thương hiệu thông qua các sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức, được đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt doanh nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng lần đầu nhằm đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả từ đó lập kế hoạch thực hiện và giám sát.

Thỏa thuận tự nguyện có thời hạn 10 năm, trong đó giai đoạn thí điểm là 2 năm, sau giai đoạn thí điểm Bộ Công Thương sẽ đánh giá khả năng thực thi và chỉnh sửa các nội dung của các thỏa thuận trước khi quyết định mở rộng quy mô chương trình trong tương lai.

 

Mô hình ESCO
Mô hình ESCO là một công ty cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện cho khách hàng như thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bảo đảm mức tiết kiệm năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện và cung cấp năng lượng, quản lý rủi ro,... nhằm giúp đỡ khách hàng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. ESCO cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua Hợp đồng dịch vụ năng lượng (EPC).
Đối tượng áp dụng mô hình ESCO là các hệ thống đèn chiếu sáng công cộng dân lập do địa phương quản lý; cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước; các cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà, đơn vị kinh doanh dịch vụ...

Theo Tạp chí Công Thương