Friday, 15/11/2024 | 14:28 GMT+7
Xu thế tất yếu
Đầu tư vào năng lượng sạch là xu thế tất yếu để một quốc gia phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng. Đó là chia sẻ của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Tọa đàm với chủ đề “Tương lai ngành năng lượng Việt Nam trong các năm tới”, diễn ra sáng 21/6 tại Hà Nội.
Trong những chuyến đi trước đây tới Việt Nam, câu chuyện đầu tư năng lượng sạch, năng lượng thay thế, giảm dần các nhà máy chạy than đã được ông John Kerry nhắc đến nhiều lần.
“Kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng nhanh, nên cần xây dựng thêm nhà máy điện bằng năng lượng sạch. Tôi được biết, kế hoạch trong tương lai của Việt Nam sẽ có thêm hàng chục nhà máy điện chạy bằng than. Tuy nhiên, than là nhiên liệu gây ô nhiễm nhất thế giới, không thể phụ thuộc vào nhiên liệu này”, ông John Kerry nói.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn.
Thực tế này một mặt gây áp lực cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đến từ Mỹ cho rằng, đầu tư năng lượng sạch là tất yếu, bởi chi phí năng lượng tái tạo đang giảm từ 9-12%/ năm và sẽ còn rẻ hơn nữa. Điều này khá thuận lợi cho các quốc gia đi sau như Việt Nam trong các quyết định đầu tư vào năng lượng sạch. Chưa kể, nếu xây nhà máy điện than cần 4-6 năm, trong khi làm điện gió, điện mặt trời chỉ mất 1 năm, cũng là một trong những lợi thế so sánh đáng kể cho Việt Nam.
“Mỗi năm, Mỹ phải chi 27 tỷ USD để khắc phục hậu quả môi trường. Vì vậy, với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cần đưa ra những quyết sách táo bạo về sử dụng năng lượng”, ông John Kerry nhấn mạnh.
Những dự án tiên phong
Một địa phương trở thành địa chỉ đầu tư năng lượng sạch trong những năm gần đây là Bình Thuận. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tỉnh này khởi động các dự án đầu tư lớn.
Vào tháng 4/2017, địa phương này đã ký thỏa thuận với một số doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch. Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) và các công ty thành viên đăng ký đầu tư 3 dự án năng lượng, với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.
DLG sẽ đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, trên diện tích 309,26 ha, tổng vốn đầu tư dự án là 6.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Đức Phú Gia đăng ký đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp điện năng lượng tái tạo Đức Phú Gia tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, diện tích 131,21 ha, tổng vốn đầu tư dự án 2.800 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai đăng ký đầu tư Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình và xã Thiện Nghiệp, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, trên diện tích 211,6 ha, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đổ vốn khá lớn vào làm năng lượng sạch. Đầu năm 2017, Dự án Điện gió Đầm Nại có công suất 40 MW, với tổng mức đầu tư là 80 triệu USD do Công ty cổ phần TSV (TP.HCM), Công ty The Blue Circle (Singapore) làm chủ đầu tư đã được khởi công tại Bình Thuận.
Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 9,4 ha. Trong giai đoạn I, nhà đầu tư lắp đặt 3 trụ turbine với tổng công suất khoảng gần 8 MW và đưa vào vận hành từ tháng 10/2017. Sau đó, tiếp tục dựng 13 trụ turbine còn lại. Toàn bộ dự án sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10/2018.
Hay Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân, công suất 19,2 MW, do Thiên Tân Group đầu tư, với tổng vốn 900 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng trên diện tích 24 ha tại xã Minh Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong khi đó, mới đây, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 tại Quảng Trị, do Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư, công suất 30 MW, vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Phó trưởng ban quản lý dự án điện gió Hướng Linh 2, ông Nguyễn Đăng Đức cho hay, đây là dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị và khu vực Bắc miền Trung. Cùng với dự án này, cũng tại xã Hướng Linh, Dự án điện gió Hướng Linh 1, công suất 30 MW với vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng do Tân Hoàn Cầu đầu tư đang được triển khai, dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV năm nay.
Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đã và đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư 25 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.846 MW.
Theo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), từ năm 2030 trở đi, các nguồn điện than sẽ cần phải dần dần được thay thế bằng nguồn điện sạch như điện gió, điện mặt trời… Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn còn không ít trở ngại trong việc hiện thực hóa các dự án đầu tư do nguồn vốn, cơ chế chính sách và bài toán giá điện.
Theo Báo Đầu tư