Monday, 23/12/2024 | 17:51 GMT+7
Chương trình tiêu chuẩn và dán nhãn năng lượng bắt đầu được khởi xướng từ những năm 1970. Từ đó đến nay đã có hơn 80 quốc gia với hơn 50 loại nhóm hàng tham gia vào các chương trình tiêu chuẩn và dán nhãn.
Trong khuôn khổ các chương trình này, nhãn năng lượng là công cụ giúp cung cấp thông tin trực quan về hiệu suất và mức độ hiệu quả sử dụng năng lượng của phương tiện, thiết bị, nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt các sản phẩm này với các sản phẩm hiệu suất năng lượng thấp, qua đó giúp thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm hiệu suất năng lượng cao.
Qua nhiều thập kỷ, dán nhãn năng lượng đã chứng minh được hiệu quả tiết kiệm năng lượng qua số lượng quốc gia, nhóm sản phẩm và mức độ tăng dần các tiêu chuẩn và quy định cụ thể như sau:
- Số lượng các quốc gia áp dụng tiêu chuẩn và chương trình dán nhãn năng lượng đã tăng lên 81 quốc gia (từ 50 quốc gia vào năm 2004).
- Số lượng nhóm sản phẩm áp dụng các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng bắt buộc là 55 loại (từ 42 loại vào năm 2004).
- Số lượng tiêu chuẩn & quy định dán nhãn năng lượng tăng gần gấp 3 lần, lên 3604 quy định (từ 1220 quy định năm 2004).
- Số lượng các quy định tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã áp dụng (hoặc đề xuất áp dụng) đã tăng lên 1453 quy định (từ 431 quy định).
- Dán nhãn so sánh đã áp dụng (hoặc đề xuất áp dụng) đối với tất cả các nhóm tăng gấp ba lần lên 1149 quy định (từ 354 quy định). Nhãn dán so sánh hiện đã vượt số lượng tuyệt đối về nhãn dán được phê duyệt và có xu hướng trở thành nhãn dán bắt buộc (hiện trên 80%).
- Nhãn dán được phê duyệt đã sử dụng (hoặc đề xuất) đối với tất cả các nhóm cũng tăng gấp đôi lên 1002 quy định (từ 435 quy định) với trên 95% tổng số nhãn được phê duyệt vẫn còn mang tính tự nguyện và áp dụng hoặc hướng tới hầu hết các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Các loại sản phẩm áp dụng phổ biến nhất bao gồm: tủ lạnh (75 quốc gia), điều hòa không khí (73 quốc gia), đèn điện hoặc đèn chấn lưu (67 quốc gia), thiết bị quay phim (47 quốc gia).
Các nước áp dụng chương trình quốc gia năng động nhất bao gồm: Trung Quốc với 100 quy định, Mỹ với 86 quy định, Hàn Quốc với 78 quy định, các nước EU với 77 quy định.
Xu hướng
Ba loại sản phẩm gồm tủ lạnh, điều hòa không khí và đèn điện là các sản phẩm áp dụng quy định hiệu suất năng lượng (HSNL) phổ biến nhất với số lượng quy định tuyệt đối tăng nhanh chóng. Năm 2004, 45 quốc gia đưa nhóm sản phẩm tủ lạnh vào hệ thống quản lý HSNL với khoảng 95 quy định. Năm 2013, con số này là 75 quốc gia với khoảng 185 quy định. Cùng với mốc thời gian trên, điều hòa không khí được đưa vào danh sách sản phẩm áp dụng HSNL tại 37 quốc gia với 81 quy định. Sau đó con số này nâng lên 81 quốc gia với 152 quy định. Năm 2004, khoảng 30 quốc gia sử dụng các loại đèn hoặc đèn chấn lưu; con số này tăng lên gần 67 quốc gia vào năm 2013 với lượng đèn nói riêng chiếm tới 149 quy định riêng.
Thời điểm này chứng kiến sự dịch chuyển về kiểu loại sản phẩm thường được quy định. Năm 2013, máy quay phim được 47 quốc gia áp dụng với 135 quy định riêng (hầu hết là quy định bắt buộc), áp dụng từ cơ sở tại 21 nước vào năm 2004 và 41 quy định (quy định tự nguyện). Phạm vi áp dụng của bình đun nước nóng cũng tăng từ 12 quốc gia với quy định bắt buộc lên 44 quốc gia vào năm 2013.
Hiện nay, các sản phẩm điện, như máy vi tính, bộ giải mã và các thiết bị audio/video... được nhiều nước áp dụng tiêu chuẩn HSNL bắt buộc. Số lượng các quy định tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng bắt buộc áp dụng cho các loại sản phẩm điện tăng từ 9 quy định năm 2004 lên thành 347 quy định vào năm 2013.
Kinh nghiệm triển khai chương trình dán nhãn tại một số quốc gia trên thế giới
Australia
Tại xứ sở chuột túi, chương trình nhãn năng lượng bắt buộc được triển khai từ năm 1999. Đặc điểm của nhãn năng lượng Australia là có một định mức hình ngôi sao thể hiện HSNL và dự báo mức tiêu hao năng lượng hàng năm của thiết bị. Thời gian, nhãn thay đổi thiết kế thể hiện rõ thang đo HSNL từ 1 đến 10 (một số dòng sản phẩm), hoặc từ 1 đến 6 (cho hầu hết các sản phẩm còn lại).
Các sản phẩm có trên 6 ngôi sao được coi là sản phẩm siêu hiệu quả. Dán nhãn năng lượng là yêu cầu bắt buộc tại Australia và New Zealand, áp dụng cho 8 nhóm sản phẩm gồm: tủ lạnh, tủ cấp đông, máy giặt, máy sấy, máy rửa bát, điều hòa không khí, TV và màn hình máy tính. Việc thực hiện dán nhãn được căn cứ theo chứng nhận và đăng ký riêng của nhà sản xuất. Việc kiểm tra trên diện rộng bằng cách lựa chọn sản phẩm mục tiêu để thử nghiệm đã được sử dụng để hỗ trợ giám sát và cưỡng chế thực thi.
Mỹ
Chương trình dán nhãn năng lượng của Mỹ do Ủy ban Thương mại Liên Bang Hoa Kỳ (FTC) xây dựng vào năm 1980 theo lời kêu gọi hợp thức hóa chương trình dán nhãn để cải thiện hiệu quả năng lượng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong việc mua sắm. Qua quá trình cải tiến, nhãn sẽ hiển thị một cách đơn giản về chi phí hoạt động hàng năm dự kiến, phổ tiêu thụ năng lượng cao nhất và thấp nhất và mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị.
Hiện nhãn ENERGY STAR được áp dụng cho hơn 70 nhóm sản phẩm, bao gồm thiết bị gia dụng, thiết bị văn phòng, đèn chiếu sáng, thiết bị trung tâm dữ liệu và đồ điện tử (US EPA, 2017).
Năm 2011, chương trình ENERGY STAR triển khai hợp phần Nhãn năng lượng Hiệu quả nhất dành cho khoảng 5% sản phẩm có hiệu suất năng lượng vượt trội nhằm hướng đến một thị phần nhỏ siêu hiệu suất. Hợp phần này vinh danh các sản phẩm, nhà sản xuất có những sáng chế, công nghệ vượt trội dẫn đầu thị trường, nhưng cũng không gây ảnh hưởng tiêu cực tới các sản phẩm cùng chủng loại có hiệu suất thấp hơn.
EU
Tại châu Âu, nhãn thông tin năng lượng so sánh bắt buộc cho các sản phẩm tủ lạnh gia dụng, máy giặt và máy sấy quần áo, máy rửa bát, lò nướng, thiết bị đun nước nóng và bình chứa nước nóng, đèn chiếu sáng, điều hòa không khí và 16 nhóm sản phẩm khác theo quy định. Chương trình xếp loại hiệu quả năng lượng hàng năm của một sản phẩm so với các sản phẩm tương tự. Sản phẩm được xếp theo mức từ A (hiệu quả nhất) đến G (ít hiệu quả nhất). Theo quy định này, nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm cung cấp tài liệu kỹ thuật về mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm. Các nước thành viên phải đảm bảo nhà cung cấp tuân thủ các nghĩa vụ dán nhãn, không sử dụng các loại nhãn của các vùng lãnh thổ có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; đồng thời truyền thông, quảng bá cho các loại nhãn.
Nhật Bản
Để tuân thủ Luật bảo toàn năng lượng quốc gia, Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng tự nguyện của Nhật Bản được liên kết với Chương trình Top Runner, trong đó quy định rõ hiệu suất cao nhất hiện có trên thị trường cùng với quy định cải thiện hiệu quả tiềm năng bằng công nghệ giữa thời điểm xác định giá trị và năm mục tiêu. Ngay khi đến năm mục tiêu và áp dụng tiêu chuẩn, các nhà sản xuất sẽ được xem xét mức độ tuân thủ tiêu chuẩn mục tiêu trung bình của tất cả các loại sản phẩm bán ra (chứ không phải của từng sản phẩm đã bán). Đối với từng dòng sản phẩm, nhãn dán cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về năm mục tiêu áp dụng chương trình Top Runner, tỷ lệ hoàn thành tương ứng với mục tiêu và mức tiêu thụ năng lượng hàng năm.
Những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn Top Runner sẽ được dán nhãn chứng nhận trên tất cả các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tại điểm bán, nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và lựa chọn. Nhãn có đặc điểm là ký hiệu chữ “e” màu xanh lá cây dùng cho các loại sản phẩm đạt trên 100% mục tiêu và ký hiệu chữ “e” màu da cam dùng cho các loại sản phẩm không đạt mục tiêu. Luật sửa đổi năm 2006 liên quan đến việc sử dụng năng lượng phù hợp quy định về dán nhãn năng lượng, trong đó bao gồm thông tin về nhãn năng lượng tự nguyện nhưng cũng cung cấp một hệ thống đánh giá 5 sao cho hiệu quả năng lượng và hóa đơn tiền điện dự kiến.
Chương trình đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Nhật Bản, nhằm chiếm ưu thế về công nghệ và mở rộng thị phần trong thị trường mà hiệu suất là ưu tiên hàng đầu. Tất nhiên không doanh nghiệp nào muốn bị đứng ngoài cuộc chơi, nên sau hơn hai thập kỷ từ lúc được giới thiệu, Top Runner đã trở thành tiêu chuẩn mà cả hệ thống sản xuất đều vươn theo. Theo báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, chương trình đã nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu của các phương tiện giao thông hơn 48%, điều hòa không khí 32.3%, tủ lạnh khoảng 43%, màn hình TV và máy tính khoảng 29.6%. Tính đến báo cáo cập nhật gần đây nhất, hệ thống Top Runner đã đặt tiêu chuẩn cho 28 nhóm ngành hàng, bao gồm cả những vật liệu cách nhiệt và xây dựng.
(Còn tiếp)
Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững