Friday, 08/11/2024 | 07:46 GMT+7

Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội: Quản lý chặt chẽ để giảm tiêu hao năng lượng

21/07/2023

Cốt lõi của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội chính là việc phối hợp giữa các phương pháp: Sử dụng sản phẩm hiệu suất cao; đổi mới công nghệ, quy trình vận hành; và xây dựng mô hình quản lý năng lượng.

Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội có tiền thân là Bệnh viện Quốc tế Việt Nam – liên doanh giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty IMC của Úc. Đến tháng 9/2000, Bệnh viện Quốc tế Việt Nam chính thức chuyển từ hình thức liên doanh sang hình thức bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài và đổi tên thành Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.
Bệnh viện Việt Pháp cũng chính là bệnh viện đầu tiên tại Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bệnh viện hiện đang cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho những vấn đề y tế thường gặp. 
Trong những năm gần đây, Bệnh viện đã thực hiện rất nhiều các giải pháp để tiết kiệm năng lượng. Trong đó, đơn giản nhất là việc sử dụng đồng bộ các sản phẩm có dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương như: điều hoà cục bộ, đèn led, tivi, tủ lạnh, máy lọc không khí, các thiết bị văn phòng,... Đồng thời, tăng cường đổi mới công nghệ, quy trình vận hành các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng.
Cụ thể, Bệnh viện trang bị hệ thống điều hoà không khí giải nhiệt gió hiệu suất cao, kết hợp thông gió hồi nhiệt giúp tiết kiệm năng lượng tối đa. Hệ thống này gồm 3 thiết bị tiêu thụ năng lượng đó là: Máy làm lạnh (chiller), máy bơm nước lạnh sơ cấp, máy bơm nước lạnh thứ cấp và các thiết bị trao đổi nhiệt (PAU, AHU và FCU). Trong đó, máy nén chiller và các máy bơm nước là thiết bị tiêu thụ năng lượng lớn nhất (chiếm khoảng 75% tổng năng lượng tiêu thụ của hệ thống)… Hiện tại Bệnh viện đã tích hợp hệ thống BMS vào việc điều khiển hệ thống.
Hệ thống Chiller tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội.
"Theo kết quả tính toán hiệu suất của hệ thống điều hòa không khí (báo cáo kiểm toán năng lượng) cho thấy chỉ số hiệu quả năng lượng (COP) của hệ thống là 3,6. Chỉ số này cao hơn so với chỉ số tiêu chuẩn được công bố tại Quy chuẩn các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả (QCXDVN 09:2017) do Bộ Xây dựng ban hành (COP = 2,8). Điều này cho thấy hệ thống điều hòa không khí của Bệnh Viện hoạt động tương đối tốt."- ông Đỗ Xuân Chiến, kỹ sư trưởng Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, điều hoà và quạt thông gió đã được Bệnh viện trang bị thêm hệ thống biến tần và cài đặt chương trình hoạt động cho từng hệ thống tại các khu vực công cộng giúp tiết kiệm điện từ 8-17% mỗi năm.
Riêng đối với hệ thống chiếu sáng, Bệnh viện sử dụng 100% bằng đèn LED và cũng cài đặt chương trình BMS điều khiển ánh sáng cho từng khu vực. Giải pháp này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận hành mà còn giúp tiết kiệm 25% chi phí năng lượng mỗi năm.
Toàn bộ hệ thống chiếu sáng tại tất cả các khu vực đều sử dụng đèn LED
Để việc đổi mới công nghệ thêm đồng bộ và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tổ hợp Bệnh viện đã sử dụng hệ thống nước nóng heat pump có tổng công suất là 38,7kW và chỉ số hiệu suất tối thiểu COP là 4,2 đảm bảo cung cấp nước nóng cho tất cả các khu vực trong bệnh viện. Nhiệt độ nước nóng có thể cài đặt độc lập cho từng khu vực.
Hệ thống bơm nước và 2 bình lọc nước của bệnh viện.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Việt Pháp còn đầu tư bộ xử lý cáu cặn điện tử để nâng cao chất lượng nước đồng thời làm giảm quá trình bám cáu cặn cho thiết bị gia nhiệt như nồi hấp, máy rửa dụng cụ,... và giúp tiết kiệm lên đến 15% chi phí năng lượng mỗi năm.
Ngoài ra, sau khi cải tạo, Bệnh viện đã thi công hệ thống cách nhiệt tường bao quanh đối với không gian sử dụng điều hoà không khí. Hệ thống này bao gồm phần tường không trong suốt và phần tường trong suốt: Toàn bộ tường không trong suốt bao quanh Bệnh viện được xây dựng bằng loại tường dày 220mm với kết cấu là gạch rỗng đất sét nung và 2 lớp vữa trát. Mặt ngoài được sơn phun nhám để tăng cường độ cách âm và thẩm thấu nhiệt vào bên trong. Ngoài ra, một phần diện tích bề mặt tường không trong suốt được ốp thêm lớp đá có chiều dày 20mm cách tường 10mm để tạo điểm nhấn và tăng khả năng cách nhiệt.
Phần tường trong suốt của Bệnh viện và hệ thống cửa ra vào đều được làm bằng loại kính an toàn 2 lớp dày 14mm. Lựa chọn loại kính này mang lại những ưu điểm như: Hạn chế tia cực tím nhờ sơn phủ cách nhiệt chống tia UV SRW, hạn chế sự hấp thụ nhiệt từ bên ngoài, không bị hạn chế tầm nhìn xung quanh, ngăn tiếng ồn và đảm bảo sự an toàn khi có va đập. Do hạn chế được tia cực tím và sự hấp thụ nhiệt nên đây cũng giải pháp để Bệnh Viện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Đồng thời, giúp Bệnh viện tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong mọi hoạt động.
Tường trong suốt không chỉ giúp hạn chế hấp thụ nhiệt từ bên ngoài mà còn giúp tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên
Bên cạnh các giải pháp về đổi mới công nghệ và quy trình, Bệnh viện Việt Pháp đã xây dựng mô hình quản lý năng lượng với đội ngũ cán bộ quản lý năng lượng giàu kinh nghiệm. Đây là lực lượng nòng cốt giúp bệnh viện quản lý được mức tiêu hao năng lượng, từ đó tìm ra những giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Hàng ngày, cán bộ quản lý sẽ trực tiếp kiểm soát qua trung tâm báo sự cố, vì lý do nào đó mà thiết bị ngừng hoạt động lập tức sẽ báo đèn tín hiệu về phòng điều khiển trung tâm đặt tại phòng an ninh. Phòng luôn có nhân viên trực 24/7 qua đó sẽ biết tên thiết bị, vị trí của thiết bị báo lỗi để kịp thời sửa chữa. Định kỳ hàng tháng, các cán bộ quản lý năng lượng tại Bệnh viện sẽ ghi chép, thống kê dữ liệu tiêu thụ năng lượng và so sánh giữa các tháng, từ đó có kế hoạch điều chỉnh việc sử dụng năng lượng cho phù hợp thực tế. 
Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm 2022 đến nay tăng rất cao thì việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng rất cần thiết và hết sức có ý nghĩa. Đây không chỉ là giải pháp giúp giảm bớt chi phí cho chính doanh nghiệp, mà còn góp phần giảm tải cho hệ thống điện quốc gia.
Nhờ nỗ lực đưa ra sáng kiến và triển khai có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã vinh dự nhận giải Nhì hạng mục công trình cải tạo thuộc Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng năm 2022" do Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức. 
Minh Khuê