Friday, 22/11/2024 | 21:46 GMT+7

An Giang tiết kiệm 13,55 triệu kWh điện

03/04/2023

Theo Công ty Điện lực An Giang, tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 13,55 triệu kWh, bằng 2,16% điện thương phẩm 3 tháng, tỷ lệ tiết kiệm 2,11%.

Trước dự báo nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, ngay từ đầu năm, Điện lực An Giang (PC An Giang) luôn chú trọng đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hành tiết kiệm điện là giải pháp trọng tâm.
Kết quả, tính đến hết tháng tháng 3/2023, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 13,55 triệu kWh, bằng 2,16% điện thương phẩm 3 tháng, tỷ lệ tiết kiệm 2,11%.
Đi đôi với nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu tiết kiệm điện, trong tháng 3/2023,PC An Giang đã giải quyết và đưa vào vận hành 30 công trình điện trung áp với thời gian giải quyết trung bình 3 ngày/công trình. Lũy kế 3 tháng năm 2023, toàn công ty giải quyết và đưa vào vận hành 109 công trình điện trung áp với thời gian giải quyết trung bình 2,9 ngày, thấp hơn 2,1 ngày/công trình so với kế hoạch (5 ngày/công trình) Tổng công ty giao, đạt kế hoạch.
Về điện thương phẩm, ước thực hiện tháng 3/2023 là 236,07 triệu kWh, tăng 7,40% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm  là 628,38 triệu kWh, tăng 2,04% so với cùng kỳ. 
Trong tháng 3/2023, PC An Giang thực hiện mua điện mặt trời mái nhà là 19,5 triệu kWh. Lũy kế 3 tháng là 53,58 triệu kWh, bằng 22,43% so với kế hoạch (238,85 triệu kWh) Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao.
Tuyên truyền tiết kiệm điện tại Châu Đốc, An Giang (Ảnh: EVN)
Để hoàn thành các chỉ tiêu tháng 4 và kế hoạch năm 2023, PC An Giang chỉ đạo các Điện lực thành viên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại địa phương trong việc thực hiện công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và xử lý vi phạm những trường hợp có hành vi sai lệch.
Đồng thời, tăng cường theo dõi trong vận hành và thực hiện kiểm tra bảo trì bảo dưỡng định kỳ đúng quy định. Tổ chức kiểm tra kỹ thuật lưới điện, tình trạng vận hành (nhất là tại các vị trí xung yếu, các đầu cáp ngầm, vị trí dừng/đấu nối liên kết) nhằm sớm phát hiện các bất thường để kịp thời xử lý ngăn ngừa sự cố, tổ chức khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn kể cả trong mọi tình huống thời tiết cực đoan: mưa, lụt bão, giông lốc, sự cố diện rộng…
Ngoài ra cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống lụt bão để đối phó kịp thời với diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai.
Hương Linh