Wednesday, 22/01/2025 | 14:45 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng hiệu quả từ vận hành công trình xanh

19/10/2023

Tại Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”, giới chuyên gia nhận định đây là xu thế tất yếu phát triển với các giải pháp tổng thể hoá giải những lo ngại của chủ đầu tư.

Sự kiện do Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Công ty TNHH Edeec, Doanh nghiệp xã hội Công trình bền vững Việt Nam và Sen Vàng Group… tổ chức ngày 18/10.
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Đưa ra giải pháp tổng thể trong việc hoá giải các lo ngại về phát triển công trình xanh tại Việt Nam, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, chủ đầu tư nên nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, cùng với đó là hướng tới thực hiện Net Zero Energy nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành. 
Theo PGS. TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ. Gần nhất, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về tiết kiệm hiệu quả năng lượng toà nhà… Vì vậy, số lượng công trình xanh tại Việt Nam qua mỗi năm đã ghi nhận chiều hướng tăng. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh, sang năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh. “Như vậy, công trình xanh năm sau cao hơn năm trước. Điều này cho thấy các cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích phát triển công trình xanh đã bước đầu đạt được kết quả tích cực” -  PGS. TS Lê Trung Thành nhận định. 
Tuy nhiên, đánh giá thẳng thắn thực tế phát triển công trình xanh Việt Nam hiện nay,  PGS. TS Lê Trung Thành cho rằng, vẫn còn không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển.
Vì vậy, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như đảm bảo về chất lượng, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các lo ngại trên là rất quan trọng.  
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Edeec Trần Thành Vũ nhận định, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường. Dẫn đến, chi phí đầu tư đang là một trong những yếu tố gây cản trở đến việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay. 
Theo logic thông thường từ nhiều năm nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này sẽ được bù đắp trong quá trình vận hành. Song đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển. 
“Việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các Chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý và đặc biệt là biết sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách, tiến tới thực hiện Net Zero Energy” - ông Trần Thành Vũ nhấn mạnh. 
Theo: Kinh tế và Đô thị