Tuesday, 21/01/2025 | 01:56 GMT+7

Tiết kiệm điện trong sản xuất công nghiệp: Hai “nhà” chung tay cùng cộng đồng

01/07/2010

Trong bối cảnh suy giảm của nền kinh tế, sẽ càng khó khăn hơn khi chi phí tiền điện chiếm một khoản không nhỏ trong sản xuất. Tiết kiệm điện được coi là việc cần thiết, được các nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, cùng cộng đồng chia sẻ khó khăn thiếu điện.

Trong bối cảnh suy giảm của nền kinh tế, sẽ càng khó khăn hơn khi chi phí tiền điện chiếm một khoản không nhỏ trong sản xuất. Tiết kiệm điện được coi là việc cần thiết, được các nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, cùng cộng đồng chia sẻ khó khăn thiếu điện.

 

Bộ Công Thương vừa công bố mức tiêu thụ năng lượng trong sản xuất công nghiệp của nước ta cao hơn 1,5-1,7 lần so với Thái Lan và Malaysia. Điều này đồng nghĩa với việc cùng 1 sản phẩm, giá thành bằng nhau nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần. Mặt khác, từ ngày 1/3 năm nay, giá điện trong cả nước tăng trung bình 6,8% so với năm 2009, nên các doanh nghiệp bị tăng chi phí sản xuất.


hanosimex 01.jpg


Những năm gần đây, để giảm áp lực cho điện lưới quốc gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đang cùng chung mối quan tâm: tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí.


Trong sản xuất công nghiệp, máy biến áp (MBA) là một bộ phận quan trọng trong hệ thống điện. Điện năng từ nguồn đến hộ tiêu thụ thường phải biến đổi qua nhiều cấp điện áp. Theo PGS. Lê Văn Doanh – ĐH Bách Khoa Hà Nội, cứ 1 kW công suất đặt máy phát điện cần 7-9 kVA công suất MBA. Tổn hao kỹ thuật trong hệ thống truyền tải và phân phối thường chiếm khoảng 8%. Tại Việt Nam, tổn hao này khoảng 10%. Việc thiết kế chế tạo, vận hành sử dụng MBA có ý nghĩa quan trọng trong việc tiết kiệm điện.

 

Theo nghiên cứu của PGS Doanh, không để MBA vận hành không tải và quá non tải. Bởi trong quá trình truyền tải năng lượng, MBA có hai loại tổn hao công suất. Thứ nhất, tổn hao sắt (tổn hao do dòng điện xoáy và hiện tượng từ trễ trong mạch từ). Khi MBA không tải, ta xác định được tổn hao không tải. Thứ hai, tổn hao đồng là tổn hao phát nhiệt trên dây quấn tỷ lệ với bình phương của dòng điện bằng tổn hao ngắn mạch.


Hiệu suất của MBA sẽ cực đại khi tổn hao sắt bằng tổn hao đồng. MBA thường có hiệu suất cao, những máy có công suất lớn (hàng trăm MVA) hiệu suất đạt tới 99,8%. Giảm tổn hao công suất trong MBA sẽ tiết kiệm năng lượng một cách đáng kể. Nhưng hệ thống phân phối hạ áp chiếm tới 64,4% trong tổng tổn hao kỹ thuật. Vì thế, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến mạng phân phối hạ áp bằng cách chọn tiết diện dây dẫn, dung lượng MBA một cách hợp lý, đặt tụ bù trên thanh cái hạ áp…


Trước dự báo về những khó khăn của điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong năm nay, Tổng công ty Cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) đã ý thức được lợi ích của việc tiết kiệm điện trong sản xuất kinh doanh. Từ 2006, Hanosimex đã thành lập Ban tiết kiệm năng lượng nhằm giám sát, kiểm tra việc sử dụng điện trong sản xuất và đặt chỉ tiêu phấn đấu cho từng tháng. Công ty đã đầu tư 97 tỉ đồng thay thế những máy móc, thiết bị cũ, tiêu thụ điện cao bằng những hệ thống máy móc hiện đại, tiêu thụ điện thấp. Việc thay thế một số thiết bị sợi con, máy chải kĩ, máy thô để nâng hiệu quả và chất lượng sợi đã giúp Hanosimex giảm được lượng điện tiêu thụ từ 3,92 kWh xuống 3,7 kWh/kg sợi.


Không chỉ có vậy, Hanosimex còn thay thế toàn bộ 14.000 bóng đèn 40W bằng bóng 36W. Hơn 4.000 động cơ máy may được trang bị các thiết bị tiết kiệm điện, giảm 25% điện năng tiêu thụ. Với những giải pháp này, ước tính Hanosimex đã tiết kiệm được từ 5-7 tỉ đồng/năm.


Ông Vũ Đức Thiệu, Phó phòng điều hành sản xuất Hanosimex cho biết: “Hanosimex luôn ý thức được vấn đề thiếu điện. Chúng tôi đề ra những quy định, động viên CBCNV sử dụng máy có hiệu suất thật cao, tận dụng mọi điều kiện và hoàn cảnh để nâng cao năng suất lao động. Tìm mọi giải pháp để tiết kiệm điện, nâng cao hiệu suất tốc độ máy”.


Trong “Tổng sơ đồ nghiên cứu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam” giai đoạn từ 2011-2015, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng là 8%.  Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng, đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả đối tượng xã hội, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ thiết bị lạc hậu…


Bên cạnh đó, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực cho quản lý năng lượng, mạnh dạn đổi mới thiết bị hiện đại với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước về vốn và thông tin, triển khai các mô hình tiết kiệm năng lượng có hiệu quả theo kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến như Nhật, Mỹ…


Vân Hải