Friday, 08/11/2024 | 06:46 GMT+7
Việt Nam nỗ lực xây dựng nền kinh tế carbon thấp theo hướng tăng trưởng xanh.
Đây là hành động cụ thể của Việt Nam thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, được Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 thông qua tại Paris.
Giáo sư Tiến sỹ Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam đã và đang làm tốt các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.
Tính đến tháng 6/2015, Việt Nam đã có 254 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) được Ban chấp hành quốc tế về CDM (EB) công nhận.Trong tổng 254 dự án, các dự án về năng lượng chiếm 87,6%, xử lý chất thải chiếm 10,2%, trồng rừng và tái tạo rừng chiếm 0,4%, các loại khác chiếm 1,8%.
Việt Nam xếp thứ tư trên thế giới về số lượng dự án, với tổng lượng khí nhà kính tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng.
Số chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận do EB cấp đến nay trên 12 triệu, đứng thứ 11 trên thế giới.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như: Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Hệ thống cột phong điện tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận
Đồng thời, Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách ưu tiên về phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.
Các chính sách này khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất, sinh hoạt thông qua các hoạt động tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.
Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong bảo vệ rừng, trồng rừng và tái tạo rừng nhằm nâng cao trữ lượng cácbon, giảm phát thải nhà kính.
Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam đang xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam ưu tiên chuyển đổi nền kinh tế phát thải sang nền kinh tế xanh ít cácbon.
Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam phải cố gắng đạt đỉnh điểm phát thải cao nhất vào năm 2020 và giảm mạnh vào năm 2025, để tiến tới phát thải nhà kính xuống mức bằng 0 trong thế kỷ này.
Có thể khẳng định rằng, Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) đã thể hiện những nỗ lực của Việt Nam về giảm phát thải nhà kính và hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu, sẽ được thực hiện tại Việt Nam từ nay đến năm 2030.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam muốn cải tiến kỹ thuật, chuyển nền kinh tế phát thải sang nền kinh tế xanh hơn. Nhưng đến thời điểm này Việt Nam vẫn đang sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch là chính, phần đóng góp của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch còn hạn chế.
Trong khi đó, thế giới đang chuyển qua sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì vậy, sớm hay muộn Việt Nam cũng phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch để giảm bớt lượng phát thải nhà kính.
Để đạt mục tiêu tăng độ che phủ rừng lên 45%, giai đoạn tới Việt Nam cần phải thiết lập hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định các cấp.
Từ nay đến năm 2018, Việt Nam phải nghiên cứu sâu, tập trung mọi nguồn lực có thể để đưa ra chiến lược dài hạn về giảm nhẹ phát thải nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2030.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, việc xây dựng Thông báo quốc gia lần ba nhằm thu thập các thông tin kiểm kê khí nhà kính của nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, hình thành cơ sở dữ liệu để xây dựng, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, giảm nhẹ lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị chuyên môn, tận dụng tối đa các nguồn lực, đảm bảo yêu cầu cập nhật những thông tin mới nhất cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Dự án “Việt Nam: Xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu” được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ đầu năm 2016-cuối năm 2018), với tổng số vốn 630.000 USD.
Trong đó, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ không hoàn lại 480.000 USD thông qua Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản dự án.
Theo TTXVN