Đây là chương trình đào tạo thứ sáu trong chuỗi chương trình dành riêng cho lãnh đạo doanh nghiệp công nghiệp, tiếp nối thành công các khóa đào tạo trước đó.
Ngành Nhựa là một trong những lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh tại Việt Nam, với hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động và tốc độ tăng trưởng trung bình 14–16%/năm. Tuy nhiên, đi kèm với tốc độ tăng trưởng đó là mức tiêu thụ năng lượng cao, việc sử dụng nhiều thiết bị nhiệt, ép phun, đùn và thổi tạo hình đòi hỏi mức độ tiêu thụ điện năng lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sử dụng công nghệ cũ, hiệu suất thấp.
Trong thời kỳ chuyển đổi xanh và định hướng phát triển bền vững, ngành Nhựa Việt Nam đang chịu sức ép ngày càng lớn từ yêu cầu giảm phát thải carbon và truy xuất nguồn gốc môi trường từ thị trường quốc tế. Vì vậy, tiết kiệm năng lượng không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn là điều kiện tiên quyết để ngành này tiếp cận được các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tại các thị trường khắt khe như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Ông Diệp Thế Cường, Chuyên gia năng lượng, giảng viên khóa đào tạo chia sẻ về bối cảnh sử dụng năng lượng của Việt Nam nói chung và ngành Nhựa nói riêng.
Khóa đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh đã mang đến cho các học viên – là lãnh đạo doanh nghiệp ngành Nhựa – những nội dung chuyên sâu và thực tiễn, gồm: (i) Tăng cường năng lực cho về nhận diện và phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL); (ii) Kiểm toán năng lượng, phân tích tài chính cho các dự án TKNL; (ii) Giới thiệu và Ứng dụng hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định; (iv) Chiến lược marketing và chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.
Điểm nổi bật của khóa học là các chuyên đề về những giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình, ví dụ như: thay thế máy móc lạc hậu bằng thiết bị hiệu suất cao, tối ưu hóa quá trình vận hành và áp dụng mô hình quản trị năng lượng tại doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp được hướng dẫn nhận diện các “điểm nóng” về tiêu hao năng lượng trong dây chuyền, từ đó xây dựng lộ trình cải tiến phù hợp với điều kiện thực tế.
Học viên chia sẻ về tình hình sử dụng năng lượng tại doanh nghiệp của mình.
Không dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, khóa đào tạo còn góp phần giúp các lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng tư duy chiến lược và định hướng hành động cụ thể nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng sức cạnh tranh và đồng hành cùng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.
Trong thời gian tới, Dự án VSUEE sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ quản lý năng lượng và cán bộ kỹ thuật/vận hành trong các doanh nghiệp công nghiệp nhằm nâng cao kiến thức chuyên ngành cũng như là lan tỏa tinh thần tiết kiệm năng lượng tới cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.
Ban Quản lý Dự án VSUEE