Friday, 08/11/2024 | 05:49 GMT+7

Hội thảo tham vấn dự án xây dựng kế hoạch quản lý hiệu quả lạnh quốc gia

01/07/2020

Sáng ngày 01/07 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn Dự án xây dựng kế hoạch quản lý hiệu quả lạnh quốc gia (Dự án K-CEP) do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương (Vụ TKNL&PTBV), Viện Sinh thái và Môi trường (EEI) và Công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) phối hợp tổ chức; được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB).

Sáng ngày 01/07 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn Dự án xây dựng kế hoạch quản lý hiệu quả lạnh quốc gia (Dự án K-CEP) do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương (Vụ TKNL&PTBV), Viện Sinh thái và Môi trường (EEI) và Công ty CP Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC) phối hợp tổ chức; được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB).

Hội thảo nhằm giới thiệu Hợp phần 2 của dự án K-CEP; hiện trạng và dự báo về hiệu suất năng lượng, môi chất lạnh cũng như các công nghệ điều hòa hiệu suất cao của thị trường điều hòa không khí (ĐHKK); đồng thời trình bày về các kịch bản TKNL và giảm phát thải các chất làm suy giảm tầng ô-zôn cho ĐHKK dân dụng tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL&PTBV ông Nguyễn Việt Dũng giới thiệu sơ lược với các đại biểu về bối cảnh dự án. Hiện nay, nước ta đã và đang thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và loại trừ các chất làm suy giảm tần ô-zôn nhằm thực hiện cam kết quốc gia khi tham gia Công ước Viên về bảo vệ tầng ô-zôn và Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Phó Vụ trưởng Vụ TKNL&PTBV ông Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại hội thảo. 

Mặc dù chủ trương của Chính phủ là vậy, nhưng thực tế lại đặt ra nhiều thách thức để thực hiện những cam kết này. Cụ thể, theo ông Nguyễn Việt Dũng, thị trường ĐHKK tại Việt Nam ngày càng tăng cao, cùng với đó là nhu cầu sử dụng năng lượng không ngừng tăng cũng như lượng phát thải từ các môi chất lạnh có khả năng làm nóng lên toàn cầu và phá hủy tầng ô-zôn cũng thải ra môi trường nhiều hơn. 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ TKNL&PTBV, quỹ K-CEP ra đời sẽ bổ sung cho các mục tiêu TKNL, đặc biệt liên quan đến giảm dần HFC, bên cạnh các hỗ trợ từ Quỹ Đa phương về Ô-zôn nhằm thay thế môi chất lạnh HCFC-22 bằng các môi chất ít gây hại cho môi trường hơn như R-32. 

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm Hợp phần 2 của dự án, được giới thiệu tại hội thảo này, sẽ kế thừa những kết quả từ Hợp phần 1 và tập trung vào việc chuyển giao công nghệ hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước tiếp cận kiến thức, công nghệ sản xuất ĐHKK HFC-32 biến tần. Đây là những nỗ lực cụ thể được phối hợp giữa Vụ TKNL&PTBV-Bộ Công Thương và Cục Biến đổi khí hậu-Bộ TN&MT, đơn vị quản lý thực hiện Hợp phần trước.

Tiếp theo phần khai mạc, ông Đặng Hải Dũng, chuyên viên Vụ TKNL&PTBV, giới thiệu về các mục tiêu chính của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả và bền vững giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3).

Ông Đặng Hải Dũng, chuyên viên Vụ TKNL&PTBV, trình bày về các nội dung của Chương trình VNEEP3. 

Theo đó, mục tiêu của VNEEP3 là cắt giảm tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc từ 5-7% giai đoạn đến năm 2025 và 8-10% giai đoạn đến năm 2030. Chính phủ cũng giao nhiệm vụ TKNL cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, cũng như quy định vai trò, trách nhiệm thực hiện cho các Bộ, ban, ngành, địa phương. Trong đó, Bộ Công Thương đóng vai trò nòng cốt, giám sát, phối hợp và hỗ trợ các đơn vị khác thực hiện kế hoạch hành động; tham mưu cho Chính phủ kịp thời để có chính sách khuyến khích và điều chỉnh phù hợp. 

"Theo kế hoạch VNEEP3, nếu đi đúng lộ trình thì đến năm 2030 chúng ta sẽ cắt giảm được khoảng 6.000 GWh/năm, tương đương khoảng 10 nghìn tỷ đồng tiền điện, và cắt giảm được khoảng 34 triệu tấn phát thải cacbon", ông Đặng Hải Dũng cho biết. 

Để minh họa cho thành công của Chương trình giai đoạn trước, đại diện Vụ TKNL&PTBV nêu một số kết quả của chương trình dán nhãn năng lượng quốc gia, mà người tiêu dùng đã quen với nhận diện là nhãn xác nhận và nhãn năng lượng so sánh (nhãn 5 sao).

Theo khảo sát sơ bộ của Bộ Công Thương, "hiện nay hơn 90% thiết bị điện gia đình đang sử dụng có dán nhãn năng lượng. Lượng bóng đèn sợi đốt cũng giảm từ khoảng 50 triệu chiếc xuống dưới 6 triệu chiếc, chủ yếu chỉ còn tồn tại rải rác ở một số vùng nông thôn, vùng núi không phải điểm tiêu thụ điện trọng điểm", ông Dũng cho biết. Hiệu suất năng lượng của ĐHKK cũng được nâng lên khoảng 13% mỗi năm và dự kiến sẽ khả quan hơn nữa khi thị trường xuất hiện thêm các dòng sản phẩm hiệu suất cao. Theo ông Dũng, đây là những kết quả rất đáng khích lệ, phản ánh chủ trương và hành động đúng đắn của Chính phủ cũng như sự thay đổi tích cực của các DN cũng như người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, ông Đặng Hải Dũng cũng nhấn mạnh trong thời gian tới còn nhiều việc phải làm, do điều kiện thực tế đặt ra nhiều thách thức mới, như nhu cầu năng lượng không ngừng tăng, các sự cố bất thường về thiên tai và truyền tải, các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng khan hiếm... đã đặt ra áp lực không nhỏ buộc chúng ta phải tìm nhiều biện pháp hơn trong việc cắt giảm khí nhà kính và TKNL. 

Đồng ý với quan điểm trên, bà Nguyễn Mỹ Hoàng, Giám đốc dự án K-CEP cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý - nghiên cứu - doanh nghiệp - người dân, cùng chung tay thực hiện các mục tiêu chung nhằm TKNL và giảm lượng khí thải trong sinh hoạt, bảo vệ tầng sinh quyển. 

Theo bà Nguyễn Mỹ Hoàng, dự án đã và đang phối hợp cùng đầu mối của các Bộ để thành lập tổ chuyên gia tham vấn. Bên cạnh đó, dự án sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đánh giá, phân tích hiện trạng lĩnh vực lạnh và ĐHKK để đưa ra các kịch bản TKNL và cắt giảm khí nhà kính; từ đó tham vấn kế hoạch, lộ trình hành động đúng đắn cho các bên. Kết quả cuối của dự án theo kế hoạch sẽ được công bố vào tháng 8/2020.

Các kịch bản TKNL và giảm phát thải

Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô-zôn (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo. 

Phần tiếp theo hội thảo là phần trình bày về các kết quả nghiên cứu đánh giá về lĩnh vực lạnh và ĐHKK. Ông Nguyễn Tiến Hải, trưởng nhóm Kỹ thuật Dự án, trình bày về đánh giá hiện trạng và dự báo hiệu suất năng lượng, môi chất lạnh và công nghệ hiệu suất cao cho ĐHKK dân dụng tại Việt Nam.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, thị trường ĐHKK hằng năm có mức tăng trưởng trung bình trên 25%, với năm 2019 hơn 2.5 triệu chiếc đã được tiêu thụ. Theo đó, tỷ lệ ĐHKK treo tường chiếm đa số (89,6%). 

Cũng theo báo cáo, xét về công nghệ TKNL, hiện nay dòng ĐHKK sử dụng công nghệ inverter đang chiếm ưu thế với tỷ lệ 63% máy ĐHKK có trang bị công nghệ này. Trưởng nhóm nghiên cứu cũng cho biết đây là một cho 2 tiêu chí được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu khi chọn mua ĐHKK gia dụng, bên cạnh yếu tố giá cả. 

Về môi chất lạnh, trong tổng số 4.015 sản phẩm ĐHKK được lấy mẫu khảo sát, có gần 1/2 sử dụng môi chất ít gây hại môi trường R-32. Các môi chất được sử dụng phổ biến lần lượt là R-410A (45%) và R-22 (6%). "Tuy an toàn cho môi trường, sản phẩm sử dụng môi chất R-32 lại có giá cao hơn hẳn các sản phẩm sử dụng môi chất khác, khiến ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn của người dùng. Mặt khác, đa số khách hàng cũng không hiểu và quan tâm tới yếu tố này khi mua sắm sản phẩm", ông Hải cho biết. 

Xét về mối liên hệ giữa môi chất lạnh và hiệu quả năng lượng, ông Hải cho biết các dòng máy sử dụng công nghệ inverter và môi chất lạnh R-32 có hiệu suất năng lượng (CSPF) vượt trội, lên tới 5.36, so với dòng máy inverter khách là khoảng 4.77. 

Từ nghiên cứu xu hướng tiêu dùng và công nghệ sản xuất, ông Hải cho rằng trong vòng 5 năm tới, ĐHKK công nghệ inverter môi chất lạnh R-32 sẽ chiếm lĩnh thị trường, tăng từ 88% sản phẩm tiêu thụ hiện nay lên 99% vào năm 2027 và có thể đạt tới 100% vào những năm tiếp theo. Chỉ số CSPF trung bình của ĐHKK cũng theo đó được nâng lên từ khoảng 4.8 như hiện nay lên khoảng 5.7-6.0 trong vòng 5 năm tới. 

Cuối cùng, chuyên gia VNEEC bà Đặng Hồng Hạnh trình bày về các kịch bản TKNL và giảm phát thải cho ĐHKK. Theo bà Hạnh, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình PAMS để xây dựng kịch bản cải thiện hiệu suất năng lượng cho các loại ĐHKK phổ biến hiện nay. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất lựa chọn kịch bản tăng MEPS và cấp sao lên 20% so với hiện nay. Nếu theo kịch bản này, đến năm 2030 có thể giảm khoảng 6.74% mức tiêu thụ điện ĐHKK, tương đương 2.27 TWh. Lượng phát thải ước tính giảm 2.23 MT khí cacbon. 

"Đây là kịch bản khá tham vọng nhưng vẫn có thể đạt được. Yêu cầu là sự hỗ trợ tích cực từ các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, cũng như là cộng đồng quốc tế để DN vượt qua các rào cản về tài chính và kỹ thuật. Thêm vào đó là yếu tố nhận thức, chuyển biến của người tiêu dùng và thị trường", chuyên gia Đặng Hồng Hạnh cho biết.

Ảnh: Vụ TKNL&PTBV

Kết thúc là phần thảo luận của các đại biểu đến từ các cơ quan liên quan, đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành. Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô-zôn (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT) cho biết hội thảo là tiền đề rất tốt để các cơ quan hữu quan, chuyên gia và DN cùng ngồi lại đánh giá và đóng góp tiếng nói về lộ trình và kịch bản TKNL, giảm phát thải nhằm thực hiện các cam kết của nước ta với cộng đồng thế giới. 

Ông Đặng Hải Dũng, đại diện Vụ TKNL&PTBV cũng gửi lời cám ơn tới những đóng góp nhiệt tình và xác đáng của các đại biểu về các kết quả nghiên cứu, thực tế tình hình phát triển công nghệ, thị trường ĐHKK trong nước.

Dự án K-CEP do Vụ TKNL&PTBV (Bộ Công Thương) phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT) thực hiện, do WB tài trợ, nhằm xây dựng Kế hoạch tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực lạnh quốc gia (Kế hoạch Hành động Lạnh Quốc gia) trong lĩnh vực ĐHKK dân dụng. Hợp phần 2: Chuyển giao Công nghệ, tập trung hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước tiếp cận công nghệ sản xuất R-32, điều hòa biến tần.

Vụ TKNL&PTBV