Trong những năm qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã nỗ lực trong việc kêu gọi ý thức tiết kiệm điện của cả xã hội và thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tiết kiệm điện cần cả xã hội vào cuộc.
Theo Th.S Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh của EVN, trong 7 năm (2006 - 2012) tổng lượng điện tiết kiệm điện của toàn quốc đạt được 8 tỷ kWh, số tiền tiết kiệm được hàng năm là hàng nghìn tỷ đồng.
Nói về kết quả nổi bật trong công tác tiết kiệm điện của EVN, có thể kể tới như đã bán được 5 triệu đèn tiết kiệm điện - compact (từ năm 2005 - 2010) với giá bằng 50% so với giá thị trường. Chương trình đã tạo mọt cú huých lớn nhằm thay đổi nhận thức của người dân, tổ chức thay thế bóng đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang,… (sử dụng nhiều điện nhưng hiệu suất thấp) bằng đèn compact (hiệu suất cao nhưng tiết kiệm điện) và thúc đẩy thị trường đèn compact phát triển ở Việt Nam.
Ngoài ra, từ năm 2010 – 2012, EVN cũng tham gia Chương trình hỗ trợ lắp đặt bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời với số lượng 60.000 bình (chi phí hỗ trợ mỗi bình là 1 triệu đồng/bình).
EVN cũng đã giảm tổn thất điện năng của hệ thống (đặc biệt là hệ thống lưới điện nông thôn) từ 12,23% xuống còn trên 9% (năm 2009), tới năm 2012 giảm xuống còn 8,8%.
Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn trong công tác tiết kiệm điện năng. Đó là nhận thức của người dân, tổ chức sử dụng điện còn hạn chế trong khi chế tài xử lý chưa đủ mạnh và quyết liệt.
Theo thống kê, việc tiêu thụ điện cho sản xuất của Việt Nam còn lãng phí, hiện cao nhất trong khu vực. Việc cắt giảm chi ít nhất 10% cho việc tiêu dùng điện của các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước theo chỉ thị của Chính phủ gặp khó khăn, lý do là bởi nhiều cơ quan, đơn vị, công sở thiếu ý thức tự giác khi họ cho rằng “không phải tiền mình bỏ ra”. Ngoài ra, hiện tượng sử dụng điện khá lãng phí vẫn phổ biến, nhất là ở khu vực công cộng, trụ sở cơ quan, chiếu sáng quảng cáo, chiếu sáng đường phố.
Kiến nghị kiểm tra các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều điện
Theo Th.S Trần Viết Nguyên, để việc tiết kiệm điện năng có hiệu quả hơn, cần những hành động cụ thể hơn như xây dựng và ban hành cơ chế giá điện theo hướng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu phải thay thế các thiết bị, công nghệ có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Cấm nhập khẩu các thiết bị, máy móc, dây chuyền, công nghệ phục vụ sản xuất có hiệu suất thấp và tiêu tốn nhiều điện năng.
Lập danh sách các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, yêu cầu đăng ký chỉ tiêu và thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, trước mắt yêu cầu kiểm toán tất cả các cơ sở sản xuất sử dụng năng lượng trọng điểm có công suất sử dụng điện từ 500 kW trở lên hoặc có điện năng tiêu thụ hàng năm từ 3 triệu kWh trở lên.
Theo NDHMoney