Friday, 15/11/2024 | 05:31 GMT+7

Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội tích cực tiết kiệm điện

08/07/2013

Được coi là điển hình tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên địa bàn toàn thành phố, Công ty bia Sài Gòn - Hà Nội thực sự là doanh nghiệp xanh bởi màu xanh mát mắt của cây cối, hệ thống đèn tiết kiệm điện điển hình và hàng loạt giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả..

Được coi là điển hình tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên địa bàn toàn thành phố, Công ty bia Sài Gòn - Hà Nội thực sự là doanh nghiệp xanh bởi màu xanh mát mắt của cây cối, hệ thống đèn tiết kiệm điện điển hình và hàng loạt giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả..

0e065a92e_dchuyen_sxbiasg.jpg

Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP bia Sài Gòn - Hà Nội
 
Đi vào hoạt động từ năm 2008 trong khuôn viên Cụm công nghiệp Từ Liêm (Hà Nội), Bia Sài Gòn - Hà Nội đã đầu tư hệ thống thiết bị công nghệ khá hiện đại, đạt mức tiêu hao năng lượng thấp so với các nhà máy bia khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, công ty vẫn coi tiết kiệm điện là nhiệm vụ mang tính chiến lược. Với công suất 90 triệu lít bia 333/năm, công ty đặt mục tiêu hàng năm giảm cường độ tiêu thụ năng lượng từ 1% trở lên. Các biện pháp chính về tiết kiệm tại công ty bao gồm: Xây dựng định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu cho từng tháng, quý, năm. Lập ban kiểm soát để giám sát chặt chẽ, có số liệu thống kê hàng tuần cho lãnh đạo. Phát triển phong trào sáng kiến sáng tạo trong sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng. Thực hiện giao khoán, hưởng lương theo chỉ tiêu định mức tiết kiệm. 

Với hàng loạt giải pháp TKNL, công ty đã giảm chi phí hàng trăm triệu đồng/năm nhờ giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu 10 - 20% so với định mức chung toàn Tổng công ty Rượu, bia, nước giải khát Sài Gòn. Cụ thể, để sản xuất 1.000 lít bia, công ty tiêu thụ 30,05kg dầu FO (định mức chung là 33kg); 108 kWh điện (định mức là 110kWh); 5,1 m3 nước (định mức là 6,2 m3).

Ngay từ khi bắt đầu đi vào sản xuất, công ty đã áp dụng triệt để các giải pháp để đạt được các thông số tối ưu. Trước hết là tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của công nhân trong sản xuất nhằm tiết kiệm các nguyên liệu đầu vào như than, điện, nước. Cụ thể, trong nhà xưởng sản xuất, trước đây, công nhân thường dùng nước để lau rửa nền nhà, vừa tốn nước, vừa gây ướt, bẩn khi công nhân đi lại. Sau này, công ty đã sử dụng phương pháp lau khô, vừa giúp sàn nhà sạch sẽ, khô ráo, lại không tốn nước. Toàn bộ các thiết bị tiêu thụ điện của công ty đều được lắp biến tần để giảm tiêu thụ điện. Công ty đã đầu tư một bộ gia nhiệt nhằm tận dụng hơi bốc ra từ nồi nấu hoa (hệ thống gây tốn nhiều điện và nước nhất trong quá trình sản xuất bia), khi dịch bia sôi để quay lại gia nhiệt dịch, giúp giảm thiểu một lượng dầu lớn để đun sôi dịch bia. Lượng nước ngưng trong quá trình trao đổi nhiệt thường bị thải bỏ, công ty đã tận dụng lại chuyển về cho lò hơi, vừa làm giảm lượng tiêu thụ dầu để đun nóng lò hơi, vừa tiết kiệm nước đáng kể. Do vậy, thay vì phải xây dựng một hệ thống nước riêng để cung cấp cho lò hơi như trước đây, lượng nước ngưng này đủ để cung cấp cho lò hơi.


Trước đây, ở các khu nhà xưởng, hành lang hay khuôn viên của nhà máy thường được chiếu sáng bằng đèn cao áp tiêu hao nhiều điện năng. Công ty đã quyết định thay thế hệ thống đèn cao áp bằng đèn huỳnh quang T8, vừa đáp ứng được yêu cầu chiếu sáng ở toàn bộ khu nhà xưởng, vừa giảm công suất tiêu thụ điện chỉ bằng 1/10 so với đèn cao áp. Mới đây, hệ thống đèn cao áp ở hành lang, khuôn viên cũng được thay thế hoàn toàn bằng đèn pha, giảm số lượng bóng đèn phải sử dụng chỉ bằng một nửa, lượng điện tiêu thụ chỉ bằng 20% so với hệ thống cũ.

Đặc biệt, nước thải từ quá trình sản xuất trước khi đưa vào xử lý sẽ tạo ra khí gas. Bình thường, các nhà máy sẽ xử lý đốt bỏ lượng khí gas này, vừa ô nhiễm môi trường, vừa gây lãng phí. Công ty đã gom lượng khí gas này, cho vào bình chứa để tận dụng đốt lò, tạo thành hơi nước, sử dụng để gia nhiệt nồi nấu và thanh trùng lon chai. Toàn bộ khí gas này đủ cho lò hơi nhà máy hoạt động 24/24 giờ và thay thế được khoảng 10% tổng tiêu thụ than, dầu của nhà máy.
 
Theo Công Thương Online