Friday, 15/11/2024 | 16:51 GMT+7

Ngành dệt may tiết kiệm năng lượng: Hiệu quả thiết thực

17/09/2013

Theo Bộ Công thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành dệt may (DM) còn khoảng 30%.

Theo Bộ Công thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành dệt may (DM) còn khoảng 30%. Tiết kiệm năng lượng, các DN sẽ giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh.

Vì vậy, từ nhiều năm qua, chương trình tiết kiệm năng lượng, nâng cao công suất thiết bị đã được chỉ đạo xuyên suốt cho toàn ngành DM. Nhận thức được vai trò của tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh, nhiều DN đã chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng; thay thế thiết bị, sản phẩm lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng bằng những thiết bị mới. Đối với DN may, chiếu sáng là hệ thống quan trọng và tiêu thụ điện nhiều nhất, việc sử dụng các loại đèn hiệu suất cao như led, compact, huỳnh quang T5 hoặc T8 kết hợp với ballast điện tử và chóa phản quang là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Nhiều DN chủ động đầu tư thay thế máy may cơ bằng máy điện tử để tiết kiệm điện, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; lắp đặt bộ tiết kiệm điện cho máy may 3S nhằm giảm công suất động cơ lúc hoạt động không tải. Hệ thống lò hơi, động cơ… đều được nghiên cứu để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hoặc vận dụng nhiệt năng vào hệ thống sử dụng phụ như nhà bếp…
 
cd7393ec5_dndetmay_tkd.jpg

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ để tiết kiệm điện năng. 

Trong số những đơn vị điển hình về tiết kiệm năng lượng, có thể kể đến Tổng Công ty Dệt may Hà Nội. Đơn vị đã chủ động lắp đặt biến tần tiết kiệm cho động cơ máy sợi con, lắp bộ tiết kiệm máy may 3S cho máy may công nghiệp; thay 14.000 bộ đèn T10 và chấn lưu sắt từ bằng loại đèn T8 và chấn lưu, góp phần giảm 17% lượng điện tiêu thụ, tiết kiệm được 720.000 kWh điện/năm, tương đương khoảng 800 triệu đồng. Bên cạnh việc sử dụng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, Công ty cổ phần May và dịch vụ Hưng Long (Hưng Yên) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như lắp đặt 500 bộ thiết bị tiết kiệm điện cho hệ thống máy may, giúp tiết kiệm khoảng 12,5% chi phí năng lượng; lắp đặt hệ thống bơm thu hồi nước ngưng của lò hơi để tái tạo sử dụng tiết kiệm 25% chi phí nhiên liệu… Công ty May Trường Giang đã thay 70% quạt trần bằng hệ thống phun hơi nước; thiết kế lại bóng điện tại một số dây chuyền sản xuất, tận dụng tối đa hệ thống chiếu sáng bên ngoài để giảm thiểu việc sử dụng bóng đèn; thay thế từ máy may cơ sang máy điện tử; chuyển từ lò đốt điện sang lò đốt củi trấu, tiết kiệm được 30% lượng điện tiêu thụ…

Tiết kiệm năng lượng đã, đang thực sự đem lại hiệu quả lâu dài cho các DN. Việc nhận thức và tuyên truyền phổ biến sử dụng thiết bị tiết kiệm là yếu tố quan trọng để các DN trong ngành tiết giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hàng tỷ đồng đầu tư cho các giải pháp về tiết kiệm năng lượng là một khoản tiền không nhỏ, nhưng nhờ đó đã và sẽ bảo đảm được môi trường an toàn cho người lao động, doanh thu của các DN cũng từ đó mà tăng lên.
 
Theo Hà Nội mới