Thời gian gần đây, nhận thức được vai trò của tiết kiệm năng lượng trong sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thay thế thiết bị, sản phẩm lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng bằng những thiết bị mới. Có thể thấy, từ doanh nghiệp quy mô lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau ở các địa phương trên cả nước, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm nhất đã trở thành một thói quen tích cực.
Với các doanh nghiệp dệt may, ngoài sử dụng các loại đèn hiệu suất cao như: led, compact, huỳnh quang… nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư thay thế máy may cơ bằng máy điện tử để tiết kiệm điện, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm...
Với các doanh nghiệp dệt may, ngoài sử dụng các loại đèn hiệu suất cao như: led, compact, huỳnh quang… nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư thay thế máy may cơ bằng máy điện tử để tiết kiệm điện, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; lắp đặt bộ tiết kiệm điện cho máy may 3S nhằm giảm công suất động cơ lúc hoạt động không tải. Hệ thống lò hơi, động cơ đều được nghiên cứu để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
Tổng công ty Dệt may Hà Nội cho biết, đơn vị đã chủ động lắp đặt biến tần tiết kiệm cho động cơ máy sợi con, lắp bộ tiết kiệm máy may 3S cho máy may công nghiệp; thay 14.000 bộ đèn T10 và chấn lưu sắt từ bằng loại đèn T8 và chấn lưu, góp phần giảm 17% lượng điện tiêu thụ, tiết kiệm được 720.000 kWh điện/năm, tương đương khoảng 800 triệu đồng.
Công ty cổ phần May và dịch vụ Hưng Long - một trong những doanh nghiệp đi đầu trong công tác tiết kiệm điện năng tại Hưng Yên cho hay, đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: lắp đặt 500 bộ thiết bị tiết kiệm điện cho hệ thống máy may, giúp tiết kiệm khoảng 12,5% chi phí năng lượng; lắp đặt hệ thống bơm thu hồi nước ngưng của lò hơi để tái tạo sử dụng tiết kiệm 25% chi phí nhiên liệu.
Với Công ty cổ phần Toàn Phát (Lạng Sơn), do đặc thù sản xuất gạch nung công nghệ tuynel nên hầu như máy móc thiết bị được vận hành liên tục, đòi hỏi sử dụng và tiêu thụ nhiều năng lượng. Do vậy, ngay từ khi đi vào hoạt động và sản xuất sản phẩm, công ty đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn, trang bị cho công nhân viên những kiến thức cần thiết trong việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Gần đây nhất vào tháng 7, Công ty đã phối hợp cùng Trung tâm tiếp tục mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất tiết kiệm năng lượng cho 70 công nhân tại Công ty.
Cùng với việc vận động tuyên truyền, nêu cao ý thức tiết kiệm năng lượng cho người lao động trong đơn vị, Công ty CP XNK Y tế Đồng Tháp (Domesco) đã xây dựng những bộ quy tắc về an toàn tiết kiệm điện và triển khai tới từng người lao động. Hiện tại, Công ty đã triển khai 2 giải pháp kỹ thuật lớn, ứng dụng 7 sáng kiến nhỏ như thay đổi kỹ thuật sấy thuốc giảm từ 30 phút trước đây xuống còn 15 phút, đồng thời hợp lý hóa sản xuất để chấm dứt tình trạng máy chạy không tải.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết, trước đây mỗi lần giao ca phải mất 15- 20 phút máy chạy không tải (mỗi ngày có từ 2 đến 3 lần giao ca) thì nay không còn tình trạng đó nữa nhờ việc sắp xếp lại việc quản lý, vận hành sản xuất hợp lý. Đầu năm nay, công ty áp dụng hệ thống quản lý ISO- 50.001 về quản lý năng lượng trong sản xuất. Nhờ đồng thời triển khai nhiều biện pháp nên trong những tháng đầu năm 2013, Domesco đã giảm được 2% sản lượng điện.
Tại Công ty lương thực Vĩnh Long, để rút ngắn thời gian sấy lúa, Công ty đã đầu tư lắp đặt cụm tầng sôi để giảm độ ẩm của lúa vá làm sạch tạp chất bám vào vỏ lúa trước khi đưa vào tháp sấy lúa. Hệ thống dây chuyền từ xay lúa, xát trắng, lau bóng được đầu tư mới với các động cơ biến tần để điều chỉnh tốc độ, hạn chế dòng khởi động, nâng cao độ bền và giảm điện năng tiêu thụ. Đặc biệt, với dây chuyền sản xuất viên trấu công suất 8 tấn/ giờ, không chỉ cho ra sản phẩm phục vụ hệ thống sấy lúa, cám, mà còn có thể bán ra thị trường.
Theo NangluongVietnam